trongdong
text logo

Chống tham nhũng - Bản lĩnh tiên phong của báo chí

Yến Nhi

Đã hơn 30 năm đất nước bước vào công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Đó cũng là quãng thời gian đánh dấu bước tiến nhảy vọt của báo chí nước nhà cả về chất và lượng. Cần khẳng định rằng, những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử qua hơn 30 năm đổi mới, có một phần đóng góp rất quan trọng của các cơ quan báo chí và đội ngũ những người làm báo.
Lịch sử đã chỉ ra rằng, bất cứ chế độ nào, quốc gia nào cũng sử dụng và khai thác triệt để các phương tiện thông tin đại chúng nhằm phục vụ, củng cố và duy trì sự điều hành, quản lý xã hội của nhà nước. Báo chí không chỉ là phương tiện thông tin thuần túy, càng không phải là công cụ giải trí đơn thuần, mà nó có chức năng tuyên truyền, cổ động, tập hợp và tổ chức quần chúng đấu tranh cách mạng, giáo dục, khai trí và hướng dẫn hành động đối với các tầng lớp xã hội.
Thực tế cho thấy, báo chí trong công cuộc đổi mới đã thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội, kịp thời phản ánh một cách chân thực những yếu kém, tiêu cực, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, đồng thời cổ vũ, nêu gương người tốt việc tốt, những nhân tố mới, điển hình tiên tiến trong việc triển khai thực hiện các chủ trương đường lối của Đảng, thực thi các chính sách, pháp luật của Nhà nước. Báo chí đã phát huy được vai trò quan trọng trong việc  chống tiêu cực, tham nhũng một cách có hiệu quả. Cụ thể là: Phát hiện tham nhũng, lãng phí; tham gia giám sát và công khai các biện pháp cùng kết quả phòng chống tham nhũng; định hướng cho dư luận xã hội về các vấn đề đang được xã hội quan tâm theo quan điểm của Đảng và tinh thần thượng tôn pháp luật. Báo chí không chỉ tham gia phát hiện, công khai các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, mà còn cung cấp cho các cơ quan chức năng, cơ quan chuyên trách phòng chống tham nhũng các thông tin quan trọng, cần thiết để tiến hành xác minh, điều tra. Báo chí còn tham gia cổ vũ, khuyến khích người dân tố cáo và đóng góp những sáng kiến giúp công tác phòng chống tham nhũng mang lại kết quả. Báo chí không chỉ thuần túy đưa thông tin, mà còn phân tích, bình luận, đồng thời định hướng để giúp người đọc, người xem, người nghe hiểu rõ cái đúng, cái sai, nhận chân được bản chất sự việc, qua đó giúp  người dân biết bảo vệ lẽ phải, bảo vệ cái đúng, làm theo cái tốt, cái đẹp, ghét thói hư tật xấu; hướng tới những giá trị nhân văn cao cả, vì cuộc sống bình yên, tốt đẹp của mọi người, mọi nhà và cả xã hội. Việc đưa tin kịp thời các vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp mà dư luận xã hội quan tâm, đã tạo niềm tin cho các tầng lớp nhân dân vào công lý, vào sự lãnh đạo của Đảng và những thành quả của công cuộc đổi mới.

Thời gian qua, báo chí đã dũng cảm, tích cực đi đầu trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Ở đâu có tham nhũng, tiêu cực, ở đó xuất hiện sự đồng tâm, hiệp lực của những người làm báo, đấu tranh không khoan nhượng với những tiêu cực, sai phạm. Hơn ai hết, những người làm báo đều ý thức được rằng, chống tham nhũng chính là chống lại sự tha hóa, biến chất của cán bộ đảng viên có chức có quyền trong bộ máy nhà nước. Tuy nhiên, cũng phải nhắc lại rằng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng là cuộc chiến đấu đầy cam go, thử thách, đòi hỏi sự quyết tâm và bản lĩnh dũng cảm của những người làm báo. Dấn thân vào con đường này, người làm báo luôn cần có sự động viên, chia sẻ, hậu thuẫn của người thân, đồng nghiệp, của cấp trên, cơ quan bảo vệ pháp luật và hơn hết là sự ủng hộ, bảo vệ của công luận. Để bảo đảm tính khách quan, rất nhiều vụ án nghiêm trọng, nhà báo phải thực hiện các cuộc điều tra độc lập trong điều kiện hết sức khó khăn. Không chỉ các nhóm lợi ích, tham nhũng cản trở, chống phá hoạt động tác nghiệp của nhà báo, mà thói cửa quyền, quan liêu, vô cảm của bộ máy công chức cũng gây rất nhiều trở ngại cho hoạt động nghiệp vụ của người làm báo.
Thực tế cho thấy, các vụ việc tiêu cực, tham nhũng lớn được đưa ra ánh sáng thời gian qua, hầu hết đều xảy ra ở các ngành, các địa phương, nhưng lại không phải do người của ngành hoặc các cơ quan chức năng ở địa phương đó phát hiện, mà là do quần chúng nhân dân hoặc các cơ quan báo chí phát hiện, vào cuộc. Tiêu biểu như vụ “con bạc triệu đô” Bùi Tiến Dũng và tiêu cực lớn ở PMU18; vụ cán bộ lãnh đạo thị xã Đồ Sơn (Hải Phòng) chia chác hàng chục mảnh đất trị giá hàng tỷ đồng cùng bản án sơ thẩm “nhẹ như lông hồng”; vấn đề nhà công vụ biến thành nhà tư, vụ siêu lừa đảo Nguyễn Đức Chi cùng dự án Rusalka ở Khánh Hòa; vụ Dương Chí Dũng, Nguyễn Đức Kiên, Huỳnh Thị Huyền Như, Phạm Công Danh…; gần đây là vụ Trịnh Xuân Thanh và một số người lãnh đạo xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam… Rất nhiều thông tin liên quan đến hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tiền của, làm thất thoát tài sản của Nhà nước, những vụ tham ô, lãng phí hoặc cố ý làm trái, gây bè kéo cánh của những nhóm lợi ích mà báo chí phản ánh đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Thanh tra Chính phủ và các cơ quan chức năng, các địa phương vào cuộc xác minh, điều tra, xử lý nghiêm. Kết quả là những vụ việc như bổ nhiệm cán bộ “thần tốc” Lê Phước Hoài Bảo, Trần Vũ Quỳnh Anh… đã được xử lý nghiêm. Việc đưa tin kịp thời, công khai về các vụ án, vụ việc tham nhũng lên các phương tiện thông tin đại chúng đã giúp nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin và quyết tâm của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước ta. Những đóng góp quan trọng trong việc phát hiện các vụ việc, vụ án tiêu cực, tham nhũng của báo chí đã được dư luận xã hội đánh giá cao.
Để có những bài báo chất lượng, mang lại hiệu quả xã hội to lớn, quá trình tác nghiệp, nhà báo, cơ quan báo chí phải sẵn sàng đối mặt với những áp lực, khó khăn đến từ nhiều phía, với nhiều mức độ khác nhau. Cần nói thêm rằng, từng có nhiều ngôn từ ủng hộ hoạt động của các nhà báo chống tham nhũng, nhưng những việc làm thiết thực để bảo vệ nhà báo tham gia chống tham nhũng thì còn hết sức mờ nhạt. Trong khi đó các nhóm lợi ích đã không từ một thủ đoạn nào, thậm chí sử dụng rất nhiều tiền bạc và vật chất để mua chuộc, lôi kéo, đối phó với các lực lượng đấu tranh chống tham nhũng, trong đó có báo chí. Trong bối cảnh như vậy, đòi hỏi người làm báo phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, có cái tâm trong sáng để đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, bảo vệ sự thật và lẽ phải. Bằng những tác phẩm mang đầy sức chiến đấu, thông qua nhiều hình thức, thể tài phong phú, báo chí không chỉ phê phán, phanh phui, điểm mặt chỉ tên đối tượng, sự việc cụ thể, mà những kết quả điều tra của họ còn là những chỉ dấu hết sức quan trọng giúp các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, củng cố chứng cứ, đưa ra ánh sáng nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng được dư luận xã hội quan tâm. Điều mà những người làm báo mong muốn trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí luôn mong đợi là kẻ làm trái phải trả giá, tài sản thất thoát sớm được thu hồi… Chính vì vậy, vấn đề hợp tác với cơ quan chức năng tiếp tục xử lý vấn đề báo chí phanh phui là hết sức cần thiết.

Công cuộc đổi mới đất nước giai đoạn tiếp theo đan xen cả những thời cơ và thách thức lớn. Một trong những thách thức đã được Đảng ta xác định là nguy cơ chống phá chế độ của các thế lực thù địch, phản động thông qua “diễn biến hòa bình", "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" hòng gây chia rẽ, mất đoàn kết từ bên trong nội bộ Đảng và Nhà nước ta.  Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã xác định rõ mục tiêu trong 5 năm tới là: "Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh toàn diện đồng bộ công cuộc đổi mới, phấn đấu đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; kiên trì bảo vệ độc lập chủ quyền, bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa".
Đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, báo chí cần có nhiều tin, bài phân tích sâu sắc, có lý, có tình, có sức chiến đấu và thuyết phục nhằm bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng, vạch trần âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động và những phần tử cơ hội chính trị, giúp cán bộ, đảng viên, nhân dân nâng cao nhận thức và hành động đúng, không bị mắc mưu các thế lực phản động.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, cùng với bản lĩnh tiên phong trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực và các tệ nạn xã hội, báo chí cần tăng cường truyền bá văn hóa dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại; xây dựng nền đạo đức mới trên nền tảng đạo lý dân tộc; vun đắp, hoàn thiện hình mẫu con người Việt Nam hiện đại, kế thừa nét đẹp truyền thống của cha ông; nâng tầm trí tuệ, tri thức khoa học, công nghệ của mỗi công dân. Muốn vậy, báo chí và người làm báo cần nâng cao nhận thức chính trị, trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân, đồng thời nhanh chóng tiếp cận phương pháp tác nghiệp báo chí tiên tiến, tư duy thông tin nhanh nhạy, sắc bén để không chỉ bảo đảm nguyên tắc đúng đắn mà còn phải hay, sinh động, hấp dẫn với công chúng. 
Trong bối cảnh bùng nổ thông tin, các cơ quan báo chí đứng trước đòi hỏi phải cạnh tranh gay gắt. Vẫn biết, cạnh tranh là để phát triển, để thu hút bạn đọc, nhưng phải là sự cạnh tranh lành mạnh bằng việc đưa tin nhanh nhất, chính xác, trung thực, khách quan và hấp dẫn nhất, chứ không phải bằng những thủ thuật giật gân, câu khách rẻ tiền. Để giữ được ngòi bút trong sáng, đấu tranh loại bỏ cái xấu, bảo vệ cái tốt, vì sự nghiệp chung..., đòi hỏi người làm báo phải nắm vững đường lối, quan điểm của Đảng, đi sâu vào cuộc sống, lăn lộn trong thực tiễn để phản ánh hiện thực cuộc sống bằng tất cả tâm huyết và trách nhiệm của mình.
Các bài viết về chuyên đề:
   Những đóng góp to lớn của báo chí cách mạng trước năm 1945
   Gia Định Báo, tờ báo tiếng Việt đầu tiên
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây