trongdong
text logo

Gia Định Báo, tờ báo tiếng Việt đầu tiên

Nguyễn Quang Vinh
Quá trình phát triển nền báo chí nước nhà không thể không nhắc đến Gia Định Báo, tờ báo tiếng Việt đầu tiên ra đời từ năm 1865 tại vùng đất thuộc địa của thực dân Pháp ở Saigon.
Năm 1861 sau khi những viên tướng thực dân Charner, Page, Bonard lần lượt hạ các đại đồn Kỳ Hòa, Thuận Kiều, Mỹ Tho, Biên Hoà, năm 1862 triều đình Huế vội vàng cử Phan Thanh Giản, Lâm Duy Hiệp vào Nam thương thuyết và ký Hòa ước. Hòa ước Nhâm Tuất ký ngày 5/6/1862, với tư tưởng thỏa hiệp, cầu hòa - thực chất là đầu hàng - triều đình nhà Nguyễn buộc phải nhượng ba tỉnh miền Đông Nam Bộ là Biên Hòa, Gia Định, Định Tường và Côn Đảo cho Pháp. Khiến cho Nguyễn Đình Chiểu rời Cần Giuộc về Ba Tri với nỗi day dứt: “Vì câu danh nghĩa phải đi ra. Day mũi thuyền nan dạ xót xa”…cùng với lời bình “đóng đinh” vào lịch sử của Phan Văn Trị: “Tan nhà cám nỗi câu ly hận. Cắt đất thương thay cuộc giảng hòa”…
Lấy được vùng đất chiến lược này, thực dân pháp bắt đầu xây dựng chính quyền thực địa để phục vụ cho mục tiêu cai trị và xâm lược của chúng. Cùng với đội quân viễn chinh nhà nghề  chinh phục về mặt quân sự, chính quyền đô hộ đặc biệt chú ý đến báo chí; xem đó như một công cụ đắc lực trong việc xây dựng một chính quyền thuộc địa phục vụ lâu dài cho quyền lợi tối cao của nước Pháp. Có lịch sử phát triển báo chí hàng trăm năm trước, người Pháp thừa hiểu vai trò của báo chí. Trước và sau Hòa ước Nhâm Tuất, người Pháp đã cho xuất bản tại Saigon những tờ báo đầu tiên như  Le Bulletin officiel de l’Expédition de la Cochinchine (Nam Kỳ Viễn Chinh Công Báo - BOEC) in bằng tiếng Pháp năm 1861, Le Bulletin des Communes (Xã Thôn Công Báo) in bằng chữ Hán năm 1862, Courrier de Saigon (Thư Tín Sai Gòn) in năm 1864… Tuy nhiên những tờ báo này mới chỉ phục vụ cho những người trong bộ máy cai trị, không phổ biến rộng rãi đến dân chúng vì tầng lớp bình dân ít người biết tiếng Pháp và tiếng Hoa. Do vậy chính quyền đô hộ của thực dân Pháp phải ra một tờ báo tiếng Việt nhằm nhiều mục tiêu. Trước hết là phổ biến rộng rãi thông tin không chỉ với các quan chức, nha lại trong bộ máy công quyền mà phải lan truyền đến dân chúng nhờ lợi thế của chữ quốc ngữ theo mẫu tự Latin dễ học, dễ nhớ hơn chữ Pháp, chữ Hán. Sau đó là phổ biến chữ quốc ngữ nhằm làm cho người Việt quên dần chữ Hán và chữ Nôm để phai nhạt tinh thần “trung quân, ái quốc” của Nho giáo, đang là hệ tư tưởng chính thống của triều đình nhà Nguyễn. Để thực hiện mưu đồ này, Thống đốc Bonard đã cho làm bộ chữ in tiếng Việt bên Pháp để chuẩn bị in báo Quốc ngữ. Qua gần hai năm chuẩn bị, ngày 15/4/1865, Gia Định Báo chính thức phát hành số đầu tiên bằng tiếng Việt, giống như một công báo đăng các công văn, nghị định, chỉ thị của chính quyền thực dân.
Gia Định Báo, tờ báo tiếng Việt đầu tiên đã ra đời và trở thành công cụ của chính quyền thực dân cai trị.

Tuy nhiên, trong quá trình tồn tại từ 1865 đến năm 1909  Gia Định Báo đã dần dần phát triển thành một tờ báo đích thực theo tiêu chí báo chí như thời nay, có đời sống riêng của nó. Gia Định Báo đã tác động trên nhiều lĩnh vực của đời sống,  đôi khi vượt ra ngoài ý chí chủ quan của người Pháp. Gia Định Báo một khi đã có chỗ đứng trong lòng bạn đọc, thì mọi thông tin trên mặt báo không chỉ hiểu theo ý chí của nhà cầm quyền mà nó được hiểu một cách khách quan cùng với những chủ kiến của người đọc. Do vậy, dù là công cụ của chính quyền thực dân nhưng với tư cách là một tờ báo, Gia Định Báo còn là chỗ phản ánh hoặc ghi chép những sự kiện đương thời, qua đó lưu giữ rất nhiều thông tin tư liệu về chính sách của thực dân pháp đối với vùng đất thuộc địa Nam Kỳ nói riêng và cả nước nói chung. Gia Định Báo cũng cho chúng ta biết về đời sống nhân dân cũng như sự đổi thay của đất nước nửa sau thế kỷ XIX sang đầu thế kỷ XX, đặc biệt là những chính sách của Pháp đưa nước ta chuyển đổi từ chế độ phong kiến sang chế độ thuộc địa và phong kiến nửa thuộc địa.


Với cơ cấu nội dung của Gia Đinh Báo gồm chuyên mục Công vụ gần giống với phần nội chính của báo chí hiện nay; chuyên mục Ngoài công vụ (Tạp vụ) là thông tin về đời sống, kinh tế, xã hội; chuyên mục Thứ vụ là những khảo cứu, nghị luận, dịch thuật về văn hóa, đạo đức… gần giống với các chuyên đề về văn hóa, văn nghệ trên các báo bây giờ; và phần cuối cùng là Lời rao, quảng cáo. Với các chuyên mục này, Gia Định Báo chuyển tải nội dung qua các thể loại báo chí như tin, bài tường thuật, phóng sự, bình luận, văn học.
Vậy những “phóng viên” của Gia Định Báo là ai, và họ tác nghiệp như thế nào? Trong mục Lời rao trên Gia Định Báo số 6 ra ngày 24/2/1870 Chánh tổng tài Gia Định Báo Trương Vĩnh Ký viết:
“Lời cùng các thầy thông ngôn, ký lục, giáo tập, vân vân đặng hay:
Nay việc làm Gia Định Báo ở tại Saigon, ở một chổ, nên không có lẽ mà biết các việc mới lạ ở các nơi trong 6 tỉnh mà làm cho thiên hạ coi, nên xin các thầy cứ mỗi tuần hay là nửa tháng phải viết những chuyện mình biết tại chỗ, tại xứ mình như:
“Ăn cướp, ăn trộm
Bệnh hoạn, tai nạn
Sự rủi ro, hùm tha, sấu bắt
Cháy chợ, cháy nhà, mùa màng thể nào
Tại sở nghề nào thạnh hơn vân vân
Nói tắt một lời là những chuyện mới lại đem vô nhựt trình cho người ta biết…”
Trương Vĩnh Ký còn hướng dẫn: “Phép làm chuyện phải kể tại Chỗ nào? Ngày nào? Tháng nào? Nhơn cớ làm sao? Ban đầu làm sao? Khúc giữa thế nào? Sau hết ra việc gì? Lợi hay hại? May hay là rủi vân vân”. Rõ ràng ngay từ những năm đầu xuất bản, Gia Định Báo đã “tác nghiệp” rất chính qui, theo đúng mô hình 5W+H để trả lời câu hỏi Ai? Cái gì? Khi nào? Ở đâu? Tại sao? Như thế nào?
Đọc lại ấn phẩm của Gia Định Báo, phần tin nhanh, tin nóng trong phần công vụ, mục TIN DÂY THÉP HAVAS rất đặc trưng, nhiều sự kiện lịch sử được ghi chính xác và ngắn gọn. Ví dụ, trên số 22 ra ngày 30/5/1885 đưa tin: Victor Hugo chết.
Số 26 ra ngày 27 juin 1885 đưa tin:
Paris, ngày mồng 4 juin, 4 giờ chiều,
Chôn ông Vitor Hugo rồi, thiên hạ tới đưa rất đông đảo dị thường.
Paris ngày mồng 9 juin, 10 giờ 45 phút.
Việc giao hòa đã ký tên tại Tien - Tsin.
Thông tin này ghi lại sự kiện về Hòa ước Thiên Tân được ký kết giữa chính phủ thuộc địa Pháp  và nhà Thanh năm 1885 sau chiến tranh Pháp - Thanh nhằm tranh giành ảnh hưởng ở Việt Nam. Hòa ước này chấm dứt chiến tranh Pháp-Thanh, buộc quân Thanh phải rút khỏi Bắc Kỳ, và công nhận nền bảo hộ của Pháp với Việt Nam, đồng thời chấm dứt lệ triều cống của triều đình Huế ở địa vị phiên quốc đối với nhà Thanh.
Gia Định Báo ra đời và tồn tại gần suốt chiều dài của cuộc xâm lăng của quân Pháp để đặt nền thống trị thực dân trên đất nước ta và cuộc chống xâm lăng của dân tộc ta cuối thế kỷ XIX, mà tiêu biểu là các anh hùng dân tộc Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Thủ Khoa Huân, Nguyễn Duy Hiệu, Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương, Đinh Công Tráng cùng các chí sĩ yêu nước như nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị… Thông tin về cuộc xâm lăng và chống xâm lăng cũng được phản ánh phần nào trên Gia Định Báo. Trên số báo ra ngày 12/1/1884 có một bài tường thuật về trận đánh chiếm thành Sơn Tây của quân Pháp, diễn ra từ ngày 13-16/12/1883.
 
“Các đạo binh Langsa đã vào mà lấy đặng Sơn Tây rồi, là ngày 16 decembre, sau khi thơ tôi đã gởi đi lần sau hết ấy.
Ngày 14, các tàu neo tại trông một chỗ ngã sông, xa thành chừng 1.000 thước, mà khởi sự bắn trái phá lên thành. Ước chừng 3.000 binh bộ lên thành còn chừng 3.000 thì đi thủy. Súng lớn trên bờ cùng dưới tàu đều bắn một lượt cho tới hai ngày hai đêm.
Súng lớn người Khách bắn không ra sự gì mấy, còn súng lớn người Langsa thì làm hại cho chúng nó kể chẳng xiết. Vậy đến ngày 16 chúng nó phải bị hãm thành; quân Turcos và binh Ngoại quốc làm đạo tiên phong còn Langsa thì làm đạo hậu? Khi ấy đánh một cách dữ tợn, cho nên các binh lính tiên phong phải chết hết nhiều, vì là ở đường phía trước? Vậy 150 quân Turcos, thì còn lại có 45 người mà thôi. Các quan cả thảy đều đánh giặc một cách có can đảm, có hơn 30 người chết cùng bị thương. Người ta mới nói quan Nguyên soái Courbet liều mình ở trước hết các đạo binh.
Ba cái đồn để giữ đàng vô Sơn Tây: Hai cái phải tay các đạo binh Algeriennes đánh đầu thượng mà lấy, còn đồn thứ ba, thì quan quân nó vỡ chạy mà bỏ. Có một ông quan ba Turcos phải bị một viên đạn bắn vô đầu, liền la lên rằng: “ Tôi từ giã đạo binh tôi, hãy xông tới!”. Rồi liền chết.
Mấy ông quan khác bị một viên đạn bay chót nón: hễ mỗi lần bắn tới một viên đạn, thì lại hô trơn lên rằng: “ Đó còn một viên nữa”. Xem ra các người Khách đều hết sức cho được giết các quan hơn, thấy có 30 ông quan phải tay chúng nó mà chết, hay là bị thương, thì biết chúng nó bắn đánh cũng là khá.
Buổi chiều ngày 16 sau đã lấy Sơn Tây rồi, thì cho các đạo binh đi rảo chơi đôi ba giờ trong thành. Người ta nói các người Khách chết hơn 6.000 còn Langsa thì chết chừng 350 người”.
Đây có thể xem là một bài tường thuật về chiến sự điển hình trên Gia Định Báo, nó không chỉ có giá trị thông tin với người đương thời mà còn là tư liệu quí về lịch sử, ngôn ngữ, văn phong báo chí với hậu thế.
Với 44 năm tồn tại và phát triển, Gia Định Báo để lại một kho tư liệu rất phong phú trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đặc biệt, Gia Định Báo không chỉ là nơi khởi nguồn báo chí tiếng Việt mà còn là chiếc nôi nâng đỡ những tiểu thuyết đầu tiên bằng Việt ngữ. Dù âm mưu của chính quyền đô hộ thế nào đi nữa thì Gia Định Báo có đóng góp lớn vào việc phổ biến và truyền bá chữ quốc ngữ. Mở đầu cho một phương tiện thông tin hiện đại thay cho các bố cáo, yết thị, hay kiểu thông tin loa loa loa … chiềng làng , chiềng nước của các mõ làng xưa. Đúng như nhà văn Vũ Ngọc Phan đánh giá: “Gia Định Báo đã mở đường cho báo chí ở trong miền Nam nói riêng và toàn quốc nói chung. Vì so với miền Bắc thì miền Nam được biết báo chí bằng quốc ngữ sớm hơn 40 năm”.
Các bài viết về chuyên đề:
   Những đóng góp to lớn của báo chí cách mạng trước năm 1945
   Chống tham nhũng - Bản lĩnh tiên phong của báo chí
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây