trongdong
text logo

Lễ hội Hàn Sơn - Nét đẹp văn hóa tâm linh



>Quản Trọng Hải

Một tiếng gà giữa ngã Ba Bông
Dân sáu huyện cùng nghe, người sáu làng cùng thức.

Đọc 2 câu thơ trên trong bài thơ Sông Mã của nhà thơ Huy Trụ, thoạt nghe tưởng như đó chỉ là một cách nói ví von hình ảnh của thơ ca, nhưng đó là sự thực.
Sự thực thú vị này đã đưa tôi về với dòng sông Mã và tôi đã được thỏa chí tò mò ở ngã Ba Bông - nơi con sông Mã tách mình ra một nhánh phụ để làm nên sông Lèn. Vùng đất “một tiếng gà gáy 6 huyện cùng nghe” của xứ Thanh đã cho tôi cảm nhận về những nét văn hóa - tâm linh truyền đời, của vùng đất xứ Thanh vốn địa linh nhân kiệt này… Từ cầu Đò Lèn trên quốc lộ 1A, đi ngược về phía Tây theo đê tả Lèn để lên ngã Ba Bông, chỉ một quãng đường chừng 10 km nhưng là cả một vùng văn hóa - tâm linh. Từ chùa Linh Xứng, đền thờ danh nhân Lý Thường Kiệt, lên đền Cây Thị, chùa Phúc Linh, và khu di tích thắng cảnh Hàn Sơn hiện lên trước mắt tôi như một bức tranh thủy mặc hữu tình.
Đền Hàn nằm trên vùng đất thuộc xã Hà Sơn một xã miền núi thuộc huyện Hà Trung - tỉnh Thanh Hóa, chạy dọc phía tả sông Mã (Sông Lèn) với diện tích tự nhiên 1.500ha, dân số khoảng 5.000 người. Là một mảnh đất có vị trí địa lý rất đặc biệt, nơi con sông Mã tách làm 2 nhánh tạo thành một ngã ba sông giáp với 6 huyện: Hà Trung, Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Vĩnh Lộc, Thiệu Hóa và Yên Định với nhiều truyền thuyết lịch sử “Đất Thanh kê lục huyện”, tức là chỉ một tiếng gà gáy là nhân dân cả 6 huyện đều nghe. Nơi hội tụ của 4 di tích gồm: Đền cây Thị ở cuối xã Hà Ngọc hay còn gọi là đền Trình; Đền Đức Ông- nơi thờ Thái úy Lê Thọ Vực; Đền Bông tức đền Cô Bơ hay Cô Ba thoải; Đền chúa Ngự hay là đền thờ Mẫu. Đền Phong Mục và Đền cô Tám (thuộc xã Đại Lộc, huyện Hậu Lộc) là cụm di tích thờ mẫu ở phía bên kia sông Lèn, đối diện với đền Hàn Sơn.


Đền Hàn (hay còn gọi là Đền Mẫu Đệ tam hoặc là Đệ tam thoải phủ), Đền Ba Bông (Hay còn gọi là Đền Cô Bơ hoặc là Cô Ba thoải phủ) là những di tích lịch sử Văn hóa thuộc xã Hà Sơn được xây dựng cách đây trên 500 năm, trải qua nhiều biến cố thăng trầm của thời gian, di tích Đền Hàn và Đền Ba Bông đã có những giai đoạn bị phá bỏ hoàn toàn, mà theo đó Lễ rước kiệu, Lễ rước bóng Cô Bơ nơi “Quốc mẫu dân cầu” cũng bị mai một lãng quên. Tuy vậy, mảnh đất “Anh linh” vua ban đã được nhân dân và khách thập phương nhiều lần tôn tạo, trùng tu, sửa đổi. Cùng với thời gian, nhân dân thập phương, các thanh đồng bản hội vẫn nô nức viếng thăm, hương khói cầu nguyện phước lành cho cuộc đời bình an, mùa màng tươi tốt, có thể nói đây là nơi “Quốc mẫu dân cầu” có một không hai (Những nơi khác thờ Mẫu thoải, thờ Cô Ba chỉ là phối thờ hoặc chỉ là thờ vọng mà thôi). Cả hai đền này đã được Nhà nước cấp bằng Di tích cấp tỉnh năm 1992.
Theo tài liệu sử sách, bia ký và truyền thuyết dân gian, nhân vật được thờ ở đền Hàn Sơn (tức đền Đức Ông) là Lê Thọ Vực- người có công to lớn trong việc bình định Chiêm Thành và là người có công khai hoang vỡ hóa vùng đất Đại Lại xưa để lập ra sở đồn điền và làng, xã xung quanh vùng Hà Sơn, Hà Lĩnh, Hà Đông… của Hà Trung nay. Trên sườn núi Hàn, Đền Đức Ông sùng quốc công xưa gồm 4 cung rất uy nghi và tráng lệ ở sát bờ sông Lèn. Cung tứ thờ đức ông Lê Thọ Vực, cung nhất, cung nhị thờ hệ thống mẫu, cung tam thờ hội đồng chư vị. Ở đây vị thần được thờ chủ yếu là Đức ông Lê Thọ Vực còn hệ thống mẫu và thờ hội đồng là do người đời sau đưa vào để phối thờ. Đây là điều thường gặp ở các đền khác trên địa bàn Thanh Hóa và cả nước nói chung. Sau ngày hòa bình lập lại, do sự nhận thức ấu trĩ về việc bài trừ mê tín dị đoan, toàn bộ kiến trúc cổ kính trên núi Hàn đã tan biến một cách đáng tiếc.Nhưng từ trong tâm thức với khát vọng về một nét đẹp văn hóa tâm linh, người dân địa phương và du khách thập phương đã góp công, góp của để phục dựng lại sự nguy nga của Đền Hàn xưa.
Lễ hội Hàn Sơn được mở vào tháng 6 (âm lịch) hàng năm, ngày 12 tháng 6 là ngày chính hội, nhân dân thường tổ chức lễ hội rước kiệu, mà cách thức là rước bóng Cô Bơ ở Đền Ba Bông về hầu Thánh mẫu Đệ Tam Đền Hàn, khi thực hiện xong nghi lễ lại rước Cô trở về, lễ rước được diễn ra theo đúng nghi thức truyền thống. Lễ hội diễn ra rất sôi nổi, náo nhiệt cả một vùng xứ Thanh, trên bộ dưới sông xe thuyền tấp nập, cờ hoa rợp trời, kẻ Nam người Bắc, dưới ngược trên xuôi, muôn nẻo đổ về đông vui vô kể. Trong những năm qua được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự đồng thuận của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong xã, nhân dân thập phương xa gần đã quan tâm đóng góp công sức, tiền của để đầu tư xây dựng và tôn tạo Đền phủ, chùa chiền, các Di tích lích sử văn hóa tâm linh ngày càng khang trang, bề thế. Thể theo nguyện vọng của nhân dân và du khách gần xa, năm 2008 xã Hà Sơn đã đầu tư xây dựng hệ thống đền Cô Bơ gồm nhà chính điện và các công trình phụ trợ khác, trị giá trên 10 tỷ đồng. Để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân và du khách thập phương. Năm 2012 xã Hà Sơn đã khởi công san lấp mặt bằng, xây dựng và trùng tu lại Đền Mẫu Hàn Sơn. Đây là một việc làm có ý nghĩa đối với đời sống văn hóa tinh thần và tâm linh của đông đảo nhân dân xã Hà Sơn nói riêng và du khách thập phương nói chung và nơi “Quốc Mẫu dân cầu”, sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn của mọi tầng lớp nhân dân trong hệ thống danh - thắng hiện có trên địa bàn huyện Hà Trung.
Trong những năm qua, xã Hà Sơn tiếp tục kêu gọi, vận động nhân dân, khách thập phương, các tổ chức, cá nhân và ngân sách địa phương đầu tư xây dựng các hạng mục công trình, với số tiền gần 30 tỷ đồng xây dựng công trình nhà Chính điện, Lầu Cô, Lầu Cậu đền Hàn, cổng Nghinh Môn đền Bông đã hoàn thành trong năm 2015, 2016; từng bước khôi phục lại nguyên trạng cụm di tích Đền hàn Sơn.
Một lễ hội đặc sắc mang đậm ý nghĩa tín ngưỡng dân gian đã và đang thu hút rất đông du khách trong, ngoài tỉnh về tham dự. Lễ hội Đền Hàn Sơn được tổ chức hàng năm nhằm tưởng nhớ tới những người có công khai thiên, lập địa vùng đất Hà Trung, tưởng nhớ tới các anh hùng dân tộc có công chống giặc ngoại xâm trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc. Ngoài ra, tại lễ hội, còn có phần lễ rất tôn nghiêm để tưởng nhớ đến Đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Theo truyền thuyết dân gian Việt Nam, Đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh là một trong bốn vị thánh “Tứ bất tử” - được tôn phong là “Mẫu nghi thiên hạ - Mẹ của muôn dân”. Nơi đây đã và đang trở thành một không gian văn hóa lý tưởng, là một trung tâm du lịch lễ hội hấp dẫn đặc biệt ở Xứ Thanh và trong cả nước.
Các bài viết về chuyên đề:
   U Minh - bốn mùa tràm xanh nước đỏ
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây