Ngụ ngôn Aesop: Hãy đọc và suy ngẫm |
---|
LTS : Aesop được xem là tác giả của rất nhiều câu chuyện ngụ ngôn nổi tiếng trên thế giới, được truyền miệng và được sưu tập qua nhiều thế kỷ. Thông qua những câu chuyện mà các nhân vật chủ yếu là các loài động vật, Aesop cho chúng trò chuyện, hành động và đưa ra những thông điệp sâu sắc về những chân lý giản dị trong cuộc sống.“Truyền thống và Phát triển” sưu tầm, chọn lọc và giới thiệu với độc giả những thông điệp thú vị của Aesop mà rõ ràng đến nay vẫn còn nguyên giá trị Cáo và quạ Một buổi sáng đẹp trời khi Cáo theo chiếc mũi nhạy bén của nó đi trong rừng tìm kiếm miếng ăn. Nó thấy một con Quạ đậu trên một nhánh cây trên đầu. Đây tất nhiên chẳng phải là lần đầu Cáo và Quạ gặp nhau trong đời. Điều làm nó chú ý và phải đứng lại để nhìn thêm lần nữa, đó là con Quạ kia lại đang ngậm một miếng phó mát. “Không cần gì tìm mồi ở đâu xa hơn nữa,” con Cáo Già quỷ quyệt nghĩ. “Đây là khẩu phần thích hợp nhất cho bữa sáng của mình đây.” Cáo liền chạy ngay tới gốc cây mà Quạ đang đậu. Nhìn Quạ với vẻ rất ngưỡng mộ, nó la lên, “Chào bạn, ô bạn đẹp quá đi mất!” Con Quạ nghe thấy, liền nghiêng đầu xuống, nhìn Cáo nghi ngờ. Nhưng nó vẫn ngậm chặt lấy miếng phó mát ở mỏ và chẳng chào đáp lại lời nào. “Bạn hết sức duyên dáng! Cáo bảo. “Bạn có bộ lông thật mượt mà sáng láng! Đôi cánh của bạn đẹp đẽ và bóng bấy. Bạn đẹp như vậy thì chắc hẳn là bạn hót rất hay, vì tôi thấy ở bạn cái gì cũng hoàn hảo. Nếu bạn chỉ hát cho tôi nghe một bài thôi, tôi sẽ về báo cho tất cả mọi loài thú vật ở đây biết là tôi đã được gặp Nữ Hoàng Chim.” Nghe thấy những lời nịnh bợ như thế, Quạ quên hết mọi nghi ngờ, và quên cả luôn bữa sáng của nó. Nó hết sức sung sướng nếu được gọi là Nữ Hoàng Chim. Thế là nó bèn há mỏ ra để hát. Lời ca chưa kịp cất lên thì miếng phó mát rơi ra, rớt thẳng xuống vào miệng Cáo đang mở sẵn bên dưới. “Cám ơn nhé,” Cáo Già ngọt ngào nói, và bỏ đi. Nó còn mỉa mai :“Mặc dù nghe mày hát cứ như tiếng dùi đục, nhưng dẫu sao thì đúng là mày cũng có chất giọng riêng độc đáo đấy. Nhưng còn cái trí khôn của mày để ở đâu mất rồi nhỉ?” Thông điệp của Aesop: Đừng bao giờ nghe những lời nịnh hót. Cáo và khỉ Tại một hội nghị lớn, các loài vật muốn bầu chọn ra một vị lãnh đạo mới. Để giúp vui cho hội nghị, khỉ được mời ra để khiêu vũ. Nó khiêu vũ rất hay, nhảy tưng tưng hàng ngàn lần, rồi lại nhăn nhó làm đủ trò trò, khiến cho cho mọi thú vật đều rất ngưỡng mộ nó, và rồi chúng bầu nhất trí bầu khỉ lên làm vua. Riêng Cáo thì không bầu Khỉ và hết sức bất bình với đám thú vật vì cho rằng chúng đã bầu lên một vị lãnh đạo chẳng chút xứng đáng. Một hôm Cáo tìm được một cái bẫy có một miếng thịt gài bên trong. Vội vàng chạy đến vua Khỉ, nó tâu với Khỉ là mình mới bắt được một kho báu, nhưng chưa dám động đến nếu chưa có lệnh của hoàng thượng Khỉ. Con Khỉ tham ăn theo con Cáo đến chỗ cái bẫy. Ngay khi vừa thấy miếng thịt, nó hăm hở vồ lấy để ăn, nhưng thịt chẳng thấy đâu, chỉ thấy nó đã nhanh chóng bị lọt vào bẫy. Con Cáo đứng ngoài nhe răng cười. “Mày nghĩ làm vua chúng tao mà dễ à," nó bảo “đến cái thân mày mày cũng chẳng bảo vệ nổi nữa mà đòi làm vua!” Chỉ sau một thời gian ngắn, một cuộc bầu vua khác cho các loài vật lại được tiến hành. Thông điệp của Aesop: Làm vua, làm lãnh đạo thì phẩm chất đầu tiên phải là tài năng thực sự. Sói dê và dê con Một buổi sáng, Dê Mẹ đi ra chợ mua thức ăn về cho hai mẹ con nhà dê. “Trông nhà cẩn thận nhé, con trai,” Dê Mẹ bảo Dê Con khi Dê Mẹ cẩn thận chốt kỹ cửa. “Không cho bất kỳ ai vào, nếu họ không biết mật khẩu này: “Đả đảo Sói cùng tất cả các giống Sói!” Tình cờ làm sao, một con Sói nấp gần đó nghe được. Thế là, ngay khi Dê Mẹ vừa đi khuất, Sói bèn tiến đến cửa và gõ. “Đả đảo Sói cùng tất cả các giống Sói!”, Sói nhẹ nhàng nói rất đúng mật khẩu. Dê Con lén nhìn qua khe cửa Nó chỉ nhìn thấy một cái bóng lờ mờ đứng bên ngoài, và chẳng cảm thấy an tâm. Mật khẩu thì đúng rồi, nhưng vẫn có gì đó chưa thật đáng tin. “Cho tôi xem cái chân có trắng không,” Dê Con bảo, “Không thì tôi không mở cửa cho vào đâu.” Chân trắng, dĩ nhiên, là chẳng mấy con Sói nào lại có chân trắng, và thế là Sói Già biết mình đã bị lộ tẩy, đành phải bỏ đi với cái bụng đói. “Đừng bao giờ nghĩ là đã quá chắc chắn, cẩn thận thêm tí nữa cũng không thừa,” Dê Con nghĩ, khi nó nhìn thấy con Sói bỏ chạy vào trong rừng. Thông điệp của Aesop: Hãy cẩn thận với kẻ thù từ bên ngoài nhiều thủ đoạn. Con sói và người mẹ Một buổi sáng có một con Sói đói lảng vảng quanh túp lều bên rìa một ngôi làng. Nó bỗng nghe thấy tiếng đứa bé khóc trong nhà. Rồi lại có tiếng bà mẹ nói rằng: “Nín đi nào, con, nín đi nào! Đừng khóc nữa, không nín mẹ mang vứt cho Sói ăn bây giờ!” Ngạc nhiên nhưng rất vui mừng trước hy vọng về một bữa ăn ngon như vậy, con Sói nằm hẳn lại bên ngoài cửa sổ, lóng ngóng chờ đợi bà mẹ vứt đứa bé ra cho nó. Thế nhưng mặc dù đứa bé vẫn cứ khóc lèo nhèo, Sói nằm chờ mãi cũng chẳng thấy được gì. Và rồi đêm đã xuống, nó nghe thấy tiếng bà mẹ một lần nữa khi bà ngồi xuống bên cửa sổ vừa hát vừa ru cho đứa bé ngủ. “ồ, con, ngoan nào! Sói nó đi rồi. Không, không đâu! Bố con đang rình nó đấy và Bố sẽ bắt nó làm thịt nếu nó dám bén mảng đến đây!” Ngay lúc đó người bố từ xa đi về, Sói trông thấy liền hiểu ngay chỉ có nước là bỏ chạy thật nhanh mới thoát khỏi bầy chó săn của ông chủ nhà. Thông điệp của Aesop: Phải biết xử lý mọi tình huống trong cuộc sống. Rừng và dịch bệnh Ngày xưa, có một đợt dịch bệnh hoành hành các thú vật trong rừng. Nhiều con thú chết, những con còn sống cũng ốm đau, không đủ sức kiếm thức ăn và nước uống, mệt mỏi lê đi từng bước. Cáo Già thấy gà mái tơ béo cũng chẳng thèm để ý, Lão Sói tham ăn xưa nay giờ đây thấy cừu non cũng ngó lơ. Cuối cùng, Vua Sư Tử quyết định triệu tập một cuộc hội nghị. Khi tất cả mọi thú rừng đã đến tham dự đông đủ thì ngài đứng dậy và nói: Các bạn thân mến, tôi tin rằng các vị thần đã mang dịch bệnh xuống để trừng trị tội lỗi của chúng ta. Vậy nên, ai trong chúng ta nhiều tội lỗi nhất sẽ phải hy sinh làm vật tế thần. May ra chúng ta nhờ vậy sẽ được tha thứ và tất cả sẽ được cứu thoát. “Tôi sẽ thú nhận tất cả mọi tội lỗi của tôi trước. Tôi thừa nhận rằng mình đã rất tham ăn và đã xơi rất nhiều cừu. Tôi đã ăn thịt cả dê, bò, và hươu. Nói cho hết sự thực, thỉnh thoảng tôi còn ăn thịt cả người chăn cừu nữa. Giờ đây, nếu tôi đã mắc nhiều tội lỗi nhất, tôi sẵn sàng hy sinh hiến tế cho thần. Nhưng tôi nghĩ tốt nhất là ai cũng phải thú nhận tội lỗi của mình như tôi đã làm đây. Để chúng ta có thể quyết định cho thật công bằng ai mắc nhiều tội lỗi nhất.” “Tâu bệ hạ,” Cáo lên tiếng,” ngài vẫn còn quá tốt. Ăn thịt cừu mà là tội ư, không phải đâu, đây là lẽ tự nhiên, ai mà ngu ngốc lắm mới bảo vậy. Không, không đâu, tâu bệ hạ. Ngài ăn thịt chúng là ngài đã ban cho chúng danh dự đấy. “Và còn cả những người chăn cừu mà ngài nói đến đấy, chúng ta đều biết họ thuộc cái dòng giống bé tí thế mà cứ đòi làm chủ chúng ta, ngài có ăn thịt họ cũng đúng. Tất cả mọi thú rừng vỗ tay tán dưõng Cáo nhiệt liệt. Thế rồi, Hổ, Gấu, Sói, và tất cả mọi thú dữ đều kể lại những việc xấu xa chúng đã làm, nhưng đều nêu được đầy đủ và rõ ràng lý do mà chúng cho là chính đáng và nghe chừng việc chúng làm lại hết sức thánh thiện và vô tội. Bây giờ đến lượt Lừa thú tội. “Tôi còn nhớ,” nó nói với vẻ nhận lỗi, “một hôm tôi đang đi ngang qua một cánh đồng của mấy vị mục sư, tôi thấy cỏ non ngon quá mà tôi thì đang đói, tôi không chịu nổi và đã gặm ăn một ít. Tôi không có quyền làm như vậy, Tôi nói rất thật lòng đấy.” Đám thú vật nhốn nháo cắt lời nó. Nó chính là thủ phạm đã mang tai họa đến cho tất cả mọi loài thú vật! Cỏ không phải của mình mà dám ăn, đúng là một tội lỗi khủng khiếp xấu xa! Ai phạm phải cũng phải bị treo cổ, chứ đừng nói gì đến Lừa. Ngay lập tức, chúng đè Lừa xuống, Sói xông vào trước, và chẳng mấy chốc đã kết liễu cuộc đời Lừa, mang đi tế thần này thần kia, chẳng cần nghi thức gì cho trang trọng. Thông điệp của Aesop: Kẻ mạnh bao giờ cũng có lý lẽ của riêng mình, người thật thà đừng bao giờ cả tin vào chúng. Me Mi sưu tầm |
Các bài viết về chuyên đề: |
Giữ tuổi thơ qua các trò chơi dân gian |