Những đóng góp to lớn của báo chí cách mạng trước năm 1945 |
---|
Hoàng Linh
Kể từ khi tờ báo cách mạng đầu tiên ra đời, cho đến khi diễn ra Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945, báo chí cách mạng Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ, là vũ khí sắc bén góp phần to lớn trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta. Khởi nguồn của báo chí cách mạng Trong lịch sử báo chí Việt Nam, từ năm 1925-1929 bên cạnh các tờ báo và tạp chí mới xuất bản công khai và hợp pháp về các lĩnh vực kinh tế, chính trị, giáo dục, trong đó cũng có những tờ báo phục vụ cho mục đích cai trị của chính quyền thuộc địa, phong kiến… thì một dòng báo chí mới xuất hiện trong lịch sử báo chí nước nhà, đó là báo cách mạng. Dòng báo chí này xuất bản bí mật không hợp pháp, mở đầu là tờ Thanh niên của Tổng bộ Hội Thanh niên Cách mạng Việt Nam do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập. Số đầu tiên của tờ Thanh Niên xuất bản ngày 21/6/1925, in bí mật mỗi kỳ trên 100 bản ở Quảng Châu, Trung Quốc. Báo được chuyển phần lớn bằng đường giao thông bí mật về các cơ sở trong nước, số còn lại gửi đi các cơ sở của Hội ở nước ngoài. Xuất bản gần 90 số, hầu hết các bài viết trên báo Thanh Niên đều nhằm thức tỉnh, khơi sâu lòng căm thù của nhân dân ta đối với thực dân Pháp. Báo đã góp phần tích cực chuẩn bị về tư tưởng, lý luận, chính trị và tổ chức cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Tiếp theo tờ Thanh Niên là tờ Công Nông và Lính Cách Mệnh của Tổng bộ do Nguyễn Ái Quốc tổ chức và chỉ đạo nội dung, in ấn, phát hành. Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển của hệ thống tổ chức và cơ sở của Hội Thanh niên cách mạng Việt Nam, nhiều tờ báo của kỳ bộ, tỉnh bộ và chi hội cũng xuất hiện ở trong nước. Năm 1929, các tổ chức cộng sản vừa ra đời ở ba miền Bắc, Trung, Nam, các vị lãnh đạo rất chú trọng đến hoạt động báo chí, xem đó là vũ khí chiến đấu cực kỳ quan trọng không thể thiếu trong các cuộc đấu tranh. Vì thế, một trong những nhiệm vụ cấp bách của các tổ chức cộng sản là tìm mọi cách để xuất bản báo hoặc tạp chí làm cơ quan ngôn luận đấu tranh của mình. Theo đó nhiều tới báo, tạp chí ra đời như: Đông Dương cộng sản Đảng xuất bản tờ Búa Liềm. Một số chi bộ như chi bộ An Nam cộng sản Đảng ở Thượng Hải ra báo Đỏ và L.Armée để vận động lính Pháp đóng ở Thượng Hải. Tại Tổng công hội đỏ Bắc Kỳ đồng chí Nguyễn Đức Cảnh cho xuất bản Tạp chí Công Hội Đỏ… Thời kỳ từ 1925-1929, nhiều tờ báo cách mạng in bằng phương tiện thô sơ (in giấy sáp, in thạch, in đất sét…), cỡ nhỏ, số lượng khoảng trên dưới 100 bản. Theo thống kê chưa đầy đủ, trong thời kỳ này, có khoảng trên dưới 50 tờ báo cách mạng được xuất bản và phổ biến rộng rãi tới các tổ chức cách mạng cơ sở. Báo chí thời kỳ này tập trung tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản trong quần chúng, giương cao ngọn cờ chủ nghĩa Mác-Lênin, cổ động quần chúng nhân dân, trước hết là công nhân tham gia đấu tranh và xây dựng tổ chức mang tính giai cấp của mình để bảo vệ quyền lợi thiết thực hàng ngày và đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc; chuẩn bị về mặt tư tưởng, chính trị cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 2/1930). Trong giai đoạn 1930-1936, cuộc cách mạng bước vào giai đoạn mới với sự hợp nhất của 3 tổ chức cộng sản thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Trước những nhiệm vụ mới của cách mạng dưới sự lãnh đạo của chính đảng của gia cấp công nhân, báo chí cách mạng cũng có bước chuyển biến rõ rệt về qui mô cũng như về chất lượng thông tin; vừa thể hiện quan điểm chiến lược của Đảng lại vừa có những chỉ đạo sâu sát thực tiễn trong công tác xây dựng củng cố các tổ chức cơ sở Đảng, chỉ rõ cho đảng viên và quần chúng cách mạng phương pháp đấu tranh với chính quyền phong kiến, thực dân. Báo chí cách mạng thời kỳ này rất phong phú, có cả báo do Trung ương và các cấp uỷ Đảng, các chi bộ Đảng tổ chức. Chủ đề mà các báo đặc biệt chú trọng là tập trung tuyên truyền lý luận Mác-Lênin, về vai trò lãnh đạo của giai cấp vô sản, về sự chuyển biến từ cách mạng dân chủ tư sản sang cách mạng vô sản, về Bônsêvích hoá Đảng Cộng sản, về Liên minh công nông trong cách mạng, về quan hệ giữa Đảng và quần chúng nhân dân... Đặc biệt, trong khoảng thời gian này, lần đầu tiên trong lịch sử báo chí Việt Nam, xuất hiện báo chí được viết tay trong tù nhằm đáp ứng nhu cầu rèn luyện tư tưởng, nâng cao trình độ lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên ở trong tù, đồng thời cũng để phục vụ mục đích đấu tranh cách mạng. Trong đó, nhà tù Hoả Lò Hà Nội có báo Lao Tù Đỏ (sau đổi thành Lao Tù), Bôn Sê Vích, Đuốc Đưa Đường. Nhà tù Côn Đảo có: Hòn Cau Tuần báo, Người Tù Đỏ,… Báo trong tù là một hiện tượng độc đáo do yêu cầu khách quan, là hiện tượng mang tính đặc thù trong đấu tranh cách mạng ở Việt Nam. Hầu hết các vị lãnh đạo của Đảng như Nguyễn Văn Cừ, Trường Chính, Hoàng Văn Thụ, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Lương Bằng, Trần Đăng Ninh, Nguyễn Văn Linh, Xuân Thủy… đều là những người tổ chức làm báo trong tù. Trong những năm 1936-1939, báo chí cách mạng gắn liền với Phong trào dân chủ Đông Dương do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo. Báo chí cách mạng có điều kiện có sự phát triển mạnh mẽ, nhiều xuất bản công khai ở cả ở ba miền: Bắc, Trung, Nam, với các báo: L’anant garde, Le Peuple, Tin Tức, Dân Chúng, Lao Động,… Nội dung cơ bản của báo chí giai đoạn này gắn liền với phong trào vận động dân chủ, tuyên truyền cho chủ nghĩa Mác - Lê-nin, Quốc tế Cộng sản, góp phần to lớn vào cuộc tổng diễn tập của cách mạng tháng Tám. Giai đoạn 1939-1945, báo chí cách mạng giai đoạn này đã bám sát từng bước tiến triển của cách mạng, đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong việc chuẩn bị, tiến tới Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945 thắng lợi… Giai đoạn này ghi dấu ấn các tờ báo: Việt Nam Độc Lập (1941); Tạp chí Cộng sản, Cứu quốc,... đặc biệt là sự ra đời của báo Cờ Giải Phóng ngày 10/10/1942. Trong số những tờ báo cách mạng trước năm 1945 nói chung và giai đoạn 1939-1945 nói riêng, Cờ Giải Phóng được coi là một trong những tờ báo cách mạng thành công nhất, cả về nội dung và hình thức. Báo in litô thủ công trên giấy xanh thô xơ nhưng là tiến bộ vượt bậc về ấn loát và trình bày của báo chí bí mật. Đây là một tờ báo lý luận chính trị có tầm vóc lịch sử to lớn, những vấn đề lớn trên báo đều là liên quan đến vận mệnh của dân tộc. Những bài quan trọng nhất của các số báo do đồng chí Tổng bí thư Trường Chinh viết, sau khi đồng chí Hoàng Văn Thụ, Thường vụ Trung ương - người sáng lập ra tờ Cờ Giải Phóng - hy sinh. Báo chí cách mạng thực hiện sứ mệnh cao cả phục vụ cách mạng Sự ra đời và phát triển của báo chí cách mạng trước năm 1945 là tất yếu khách quan, nhằm đáp ứng yêu cầu và phục vụ cuộc đấu tranh của nhân dân ta. Bên cạnh dòng báo chí phong kiến, thực dân, tiểu tư sản, báo chí cách mạng cất lên tiếng nói hào hùng và tha thiết, tập hợp quần chúng đấu tranh để giành lại độc lập tự do cho tổ quốc, quyền được sống, được mưu cầu hạnh phúc cho mỗi người dân. Vì thế, dù là xuất bản công khai hay bí mật, báo chí cách mạng luôn luôn thể hiện nguyện vọng của đại đa số nhân dân. Các tờ báo được cán bộ và quần chúng cách mạng truyền tay nhau đọc, nhiều bài báo người đọc thuộc lòng, được truyền miệng từ người này qua người khác. Báo chí cách mạng trước năm 1945 đã góp phần quan trọng trong việc truyền bá chủ nghĩa Mác-Lê nin vào nước ta, chuẩn bị về chính trị, tư tưởng, tổ chức cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; tập hợp và củng cố các lực lượng cách mạng, dân chủ chống chủ nghĩa thực dân, đế quốc và phong kiến; góp phần trực tiếp phát động cao trào cứu quốc, chuẩn bị Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám giành thắng lợi. Trong hai mươi năm (1925-1945), kế từ tờ báo đầu tiên Thanh Niên đến Cờ Giải Phóng, báo chí cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã thể hiện rõ tính chiến đấu, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc; thực hiện vai trò to lớn trong tuyên truyền, cổ động, huấn luyện, giáo dục, tổ chức và lãnh đạo, đưa thông tin tranh đấu tích cực hướng dẫn dư luận lúc đó, nâng cao tinh thần đấu tranh của nhân dân. Báo chí cách mạng góp phần to lớn vào việc tạo thế, tạo lực cho các cao trào đấu tranh của nhân dân ta và cuộc tổng khởi nghĩa mùa thu tháng Tám. Nhìn lại lịch sử báo chí Việt Nam được khai sinh từ khi báo Thanh Niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập (năm 1925) đến tháng 8/1945, mặc dù hoạt động hết sức khó khăn từ in ấn, phát hành, lúc bí mật, lúc công khai; nhưng trong máu lửa của cuộc đấu tranh, báo chí cách mạng đã phát triển nhanh từ nội dung đến hình thức thể hiện. Báo chí luôn gắn liền với từng giai đoạn đấu tranh, trở thành một thứ vũ khí sắn bén, một mũi tiến công tinh nhuệ vào chính quyền thực dân, phong kiến, là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với đảng viên và quần chúng cách mạng, là cái “cẩm nang” đối với đảng viên và quần chúng cách mạng trong mỗi chặng đường tranh đấu. Vì thế, trong điều kiện rất khó khăn cả về tài chính, kỹ thuật, chế độ đàn áp của thực dân, phong kiến, Báo chí cách mạng vẫn phát triển cùng phong trào cách mạng. Từ một tờ báo khổ nhỏ, in số lượng ít, từ nước ngoài đưa về nước, đến tháng Tám năm 1945, đã có gần 400 tờ báo và tạp chí in ở trong nước với số lượng lớn, quần chúng nhân dân khắp ba miền Trung Nam Bắc đều được đọc hoặc được nghe các bài báo cách mạng. Nhìn lại lịch sử hai mươi năm báo chí cách mạng trước khi Đảng ta giành được chính quyền (1925 - 1945) để lại cho chúng ta bài học lịch sử vô cùng quí giá: Báo chí phải đồng hành cùng nhân dân và đất nước, nói lên tiếng nói của nhân dân thì sẽ tạo nên sự đồng thuận xã hội; đúng như luận điểm nổi tiếng của Các Mác, lý luận cũng sẽ trở thành lực lượng vật chất một khi nó thâm nhập vào quần chúng nhân dân. |
Các bài viết về chuyên đề: |
Chống tham nhũng - Bản lĩnh tiên phong của báo chí |
Gia Định Báo, tờ báo tiếng Việt đầu tiên |