trongdong
text logo

Toàn cầu hóa và truyền thông đa chiều

Đặng Vũ Cảnh Linh
 
Truyền thông trong bối cảnh của toàn cầu hoá thay đổi và phát triển một cách mạnh mẽ đặc biệt là tính đa chiều của thông tin. Sức mạnh của truyền thông, qua các phương tiện truyền thông hiện đại được ví như sức mạnh của những cơn sóng thần, có thể cuốn hút sự tham gia của hàng triệu con người, biến đối tượng truyền thông trở thành chủ thể truyền thông góp phần quan trọng vào tổ chức và định hướng cho hoạt động sống của con người.

Báo chí nói riêng và Truyền thông đại chúng nói chung theo cách nhìn trước đây, dù có mở rộng các phương thức để tiếp cận với công chúng thông qua các chuyên mục như “Hộp thư bạn đọc” hoặc “Ý kiến độc giả”, “Ý kiến bạn xem truyền hình” … thì về cơ bản vẫn là phương thức chuyển tải thông tin đơn chiều. Điều đó có nghĩa là các thông điệp truyền thông sau khi được ghi nhận, nhào nặn, sản xuất bởi những tập đoàn và công ty truyền thông sẽ được truyền dẫn tới người nhận như những cơ sở sản xuất cung ứng sản phẩm cho người tiêu dùng. Tính đơn chiều của thông tin tạo ra một mô hình truyền thông mà trong đó chỉ có một chủ thể truyền thông duy nhất- đó là những người sản xuất các thông điệp truyền thông và một khách thể của truyền thông duy nhất- đó là những người tiếp nhận thông tin.


Ngày nay cùng với sự phát triển của hệ thống truyền thông đa phương tiện, cuộc cách mạng về phương tiện truyền thông trên thực tế đã tạo dựng một bầu khí quyển thông tin mới, khiến cho tất cả mọi người đều được bao phủ bởi một quá trình tương tác của không gian truyền thông đa chiều.
Truyền thông đa chiều được coi như một sự tương thích với một xã hội đa chiều, xã hội công dân trong đó mỗi thành viên dù nhỏ yếu nhất cũng đều có thể được nói lên tiếng nói của mình, đóng góp ý kiến của mình vào những vấn đề chung trong xã hội mà mình đang sống. Mỗi công dân đều có thể xử lý và chuyển tải các nguồn thông tin theo nhận thức, quan điểm riêng của mình.Trong truyền thông đa chiều từ những nhà lãnh đạo cao nhất đến những công dân bình dị nhất đều có thể được tiếp nhận, xử lý và chuyển phát các thông điệp truyền thông.

Sự tương tác thông tin trong không gian trực tuyến và đa tuyến khiến cho mỗi cá nhân đều có thể tồn tại như một trạm tiếp nhận, xử lý, nhận định, đánh giá và chuyển tải các thông điệp truyền thông. Điều đó đã tạo ra một bộ mặt gắn kết liên tục và đa dạng của không gian truyền thông. Cấu trúc của không gian truyền thông đa chiều này tạo nên một bề mặt lan toả và tương tác rộng lớn được gọi là chiều cộng cảm thông tin. Dư luận của cộng đồng và của số đông sẽ là bộ lọc lớn nhất và trung thực nhất cho nội dung các thông điệp truyền thông.
Sự phát triển mạnh mẽ của báo điện tử trong thời gian qua đã khẳng định thế lực mới trong làng truyền thông. Nó không chỉ tạo ra một sức sống mới cho hoạt động truyền thông đại chúng mà còn trở thành một phương tiện hữu hiệu cho sự phát triển của không gian truyền thông đa chiều. Ưu thế của báo điện tử là không thể bàn cãi khi nó tổng hợp được hầu như toàn bộ sức mạnh của công nghệ truyền thông mới, hội tụ được tất cả những mặt ưu điểm của nhiều loại nhiều truyền thông khác, không chỉ chuyển tải văn bản, hình ảnh như báo giấy, mà cả âm thanh, video như phát thanh, truyền hình và đặc biệt là sự tương tác thường xuyên, tục giữa những người làm báo và sự phản hồi của những độc giả, công chúng.
Với báo điện tử, chúng ta có thể truy cập thông tin bất kỳ lúc nào, bất kỳ ở đâu miễn là có kết nối Internet. Nó cũng còn là một thư viện đúng nghĩa, có khả năng lưu giữ được các thông tin từ quá khứ, hiện tại và đương nhiên là trên cơ sở đó dự báo cả tương lai. Người ta cũng gọi báo điện tử là báo. “Giờ” bởi khả năng cập nhật thông tin kịp thời của nó. Trong không gian truyền thông đa chiều, nó còn có một ưu thế mà không loại hình báo chí nào có được, đó là tính trực tuyến. Thông qua tòa soạn, công chúng trong nước và quốc tế có thể đối thoại, giao lưu trực tiếp với nhân vật mà họ quan tâm, yêu mến và do vậy mà có tác động về mặt thông tin rất cao, không chỉ trong nước mà còn có ảnh hưởng quốc tế

Trong một vài năm trở lại đây, một nhánh mới của lĩnh vực phát hành thông tin điện tử đó xuất hiện và tạo nên một cơn sốt mới, đó là mạng xã hội (facebook). Xuất hiện năm 2004, facebook ngày càng trở thành một mạng xã hội “hot” nhất thế giới với hàng trăm triệu người tham gia và ngày càng khẳng định vai trò không thể thiếu của nó trong đời sống thông tin - truyền thông toàn cầu. Mặc dù về bản chất, facebook cá nhân chỉ là những nhật ký trực tuyến hay kênh phát ngôn của cá nhân nhưng tầm ảnh hưởng của nó trên thực tế đã lớn hơn rất nhiều so với ý tưởng ban đầu của những người sáng tạo ra nó. Thực tế cho thấy, với độ cập nhật thông tin nhanh và khả năng nhận định, bình luận sắc sảo, nhiều trang facebook nhanh chóng chiếm được cảm tình của độc giả và thậm chí còn trở nên nổi tiếng hơn cả nhiều tờ báo điện tử chính thống.
Xu hướng truyền thông không chỉ cho thấy sự nhạy bén của độc giả trẻ, phản ánh những nhu cầu mới của độc giả thời đại kỹ thuật số, muốn có thể truy cập tin bất cứ lúc nào họ cần, mà còn muốn được “cá nhân hóa” tin tức mà họ đọc, bình luận và biểu đạt ý tưởng, làm rõ được những giả định và thiên vị của tác giả khi thông báo về một sự kiện nào đó. Có thể nói độc giả ngày nay đang có xu hướng truy cập thông tin từ mạng xã hội và các mục bình luận của cộng tác viên báo chí hơn là chỉ đọc tin tức thuần túy từ các hãng truyền thông chính thống.
Trong xu hướng truyền thông đa chiều, các hãng thông tấn cũng đang tìm cách thay đổi phương thức tác nghiệp, mang lại các sản phẩm thông tin sinh động hơn để có thể đáp ứng những thay đổi về nhu cầu thông tin của khách hàng. Đó là nhận định chung của các diễn giả và nhiều đại biểu tại phiên thảo luận cuối cùng trong khuôn khổ Đại hội lần thứ 2 các hãng thông tấn toàn thế giới diễn ra từ ngày 24 đến 27/10/2007 tại Estepona, Tây Ban Nha. Cũng trong đại hội này, một khái niệm mới đã được hình thành mà tiếng Tây ban Nha gọi là netizen-journalist, (nhà báo - cư dân mạng) để chỉ những người tham gia vào mạng không chỉ để đọc tin mà còn viết nhận xét và bình luận trên mạng.
Hiện nay, với sự phát triển không ngừng của hệ thống thuê bao điện thoại di động, hàng tỷ người trên khắp thế giới đã được trang bị chiếc điện thoại di động, nó không chỉ là phương tiện tiếp nhận thông tin mà còn trở thành một công cụ hành nghề đắc lực cho những “nhà báo-công dân mạng”. Với điện thoại di động, mọi người đều có thể vừa nhận tin vừa chuyển tin cho các hãng truyền thông hoặc phát thông tin trên kênh cá nhân của mình. Với chiếc điện thoại di động của mình, bất cứ một công dân nào cũng có thể ghi lại tức thì những sự kiện xảy ra ngay tại nơi mình chứng kiến, thay thế cho một nhà báo chuyên nghiệp.

Thông tin đa chiều báo chí và mạng xã hội, một mặt đã nói lên những sự tiến bộ trong các hoạt động truyền thông. Đó là sự mở rộng không gian truyền thông cả về chiều rộng, chiều sâu và chiều cộng cảm giữa các chủ thể và khách thể truyền thông. Nó vừa là một công cụ đắc lực cho quá trình toàn cầu hoá, vừa là chất xúc tác cho những tương tác chính trị, kinh tế xã hội giữa các quốc gia, dân tộc và các khu vực.
Thông tin đa chiều cũng tạo nên một bầu không khí mới trong quan hệ xã hội của con người với con người, tạo điều kiện để con người ở nhiều khu vực địa lý khác nhau có thể hiểu biết, cảm thông, chia sẻ những nhu cầu và thách thức chung. Sự phát triển của thông tin đa chiều, đặc biệt là những truyền thông trực tuyến và đa tuyến cũng tạo điều kiện để mở rộng quá trình dân chủ trong xã hội nói chung và trong hệ thống chuyển tải và tiếp nhận thông tin nói riêng.
Tuy nhiên truyền thông đa chiều cũng đặt ra một loạt thách thức đối với chính quá trình toàn cầu hoá, với xã hội cũng như với chính hệ thống truyền thông. Ranh giới từ tính đa chiều của truyền thông hiện đại đến sự nhiễu loạn thông tin dường như chỉ có một khoảng cách rất nhỏ nhoi. Việc mọi “cư dân trên mạng” đều có thể tham gia vào quá trình sáng tạo, làm thay đổi và chuyển tải các thông điệp khiến cho người nhận khó phân biệt và xử lý được một cách chính xác những vấn đề của thực tiễn. Hình ảnh thế giới truyền thông giống như một khu chợ hỗn loạn những kẻ mua, người bán, những “chính nhân quân tử” bên cạnh những “kẻ cắp bà già”, sống chen nhau trong một bầu không khí đầy những tin đồn thật giả lẫn lộn, đã được nhiều nhà nghiên cứu phác hoạ một cách đầy lo ngại. 
Kiểm soát thông tin, ngăn chặn bầu không khí vẩn đục, thậm chí có lúc trở nên “ác độc” của không gian truyền thông đa chiều chính là việc chúng ta phải xây dựng và điều chỉnh hàng loạt những quy chuẩn luật pháp và đạo đức trong truyền thông, đặc biệt là hướng tới xây dựng một nền văn hóa truyền thông thực sự cho các thế hệ tương lai.
Các bài viết về chuyên đề:
   Khi công nghệ “định đoạt” tương lai của báo chí
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây