trongdong
text logo

Văn miếu Trấn biên - Đồng Nai và bài phú của GS Vũ Khiêu




Ra đời sau Văn miếu Quốc tử giám Thăng Long hơn 7 thế kỷ, Văn miếu Trấn Biên (Biên Hòa - Đồng Nai) là văn miếu được xây dựng sớm nhất ở xứ Đàng Trong, được xem như là "Văn Miếu Quốc Tử Giám" của Nam Bộ. Ðây chính là biểu trưng cho truyền thống học tập, hào khí và văn hóa của người Việt phương Nam. Xây dựng năm Ất Mùi (1715), Văn Miếu là nơi thờ phụng các danh nhân văn hóa tiêu biểu của đất nước và là biểu trưng của nền văn hóa dân tộc. Với các công trình được xây dựng theo kiến trúc Văn Miếu - Quốc Tử Giám ở Hà Nội, gồm các hạng mục: nhà thờ chính, tả vu hữu vu, sân hành lễ... thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo, kính trọng hiền tài. Trải qua thời gian Văn miếu Trấn Biên bị tàn phá do thiên nhiên và chiến tranh, nhiều công trình đã bị tàn phá. Để phục dựng di tích văn hóa đã đi vào sử sách và lòng dân miền Trấn Biên và Nam Bộ, ngày 9/12/1998, đúng vào dịp kỷ niệm 300 năm vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai hình thành và phát triển, tỉnh Đồng Nai đã khởi công khôi phục lại công trình Văn miếu Trấn Biên trên nền đất cũ. Ngày 14/2/2002 giai đoạn I công trình hoàn thành. Tỉnh Đồng Nai đã trân trọng mời Giáo sư, anh hùng lao động Vũ Khiêu viết văn bia cho Văn miếu Trấn Biên.
Nội dung văn bia do Giáo sư, anh hùng lao động Vũ Khiêu biên soạn  gồm 8 đoạn, được khắc trên hai mặt của bia đá. Toàn bộ nội dung đề cập Hào khí, Văn hoá Đồng Nai qua nhiều giai đoạn lịch sử từ mở cõi đến quá trình xây dựng quê hương Đồng Nai. Một chặng đường lịch sử đã hun đúc nên những giá trị di sản quý giá của nhiều thế hệ con dân Đồng Nai, tiếp mạch truyền thống của dân tộc trên vùng đất phương Nam của Tổ quốc.
Chuyên mục Văn tuyển kỳ này, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu toàn bộ áng hùng văn này, cũng để độc giả thưởng thức và có dịp một lần ghé thăm mảnh đất lịch sử hào hùng phương Nam này.
Nội dung văn bia trên Văn miếu trấn biên
1. Từ đi mở cõi
Mịt mù đất mới, muôn dặm thâm u
Thăm thẳm quê xưa, ngàn năm thương nhớ !
Người đông đất hẹp: nợ áo cơm đành phải xông pha
Rừng rậm đầm lầy: việc khai phá xiết bao gian khổ
Bão giông sấm sét: đã lắm tai ương
Rắn rết hùm beo: còn nhiều hung dữ
Thấm bao huyết hãn: đất khô cằn cũng hóa phì nhiêu
Trải mấy suy tư: miền hoang dại đã thành trù phú
Ruộng đồng bát ngát:gạo trắng nước trong
Nhà cửa khang trang: cơm no áo đủ.

2. Dựng xây văn miếu
Từ Lễ Thành hầu, xung Kinh lược sứ
Ổn định biên cương, vệ phòng lãnh thổ
Đi về xa mã: tưng bừng dinh thự Trấn Biên
Xuôi ngược ghe thuyền: rộn rã cù lao Đại Phố
Xây cao Văn miếu, tiếp thu thành tựu bắc nam
Mở rộng Học đường, khai thác tinh hoa kim cổ.
Đạo làm người: tích trí, tu nhân
Phép giữ nước: sùng văn, trọng võ
Tinh thần Đại Việt tỏa sáng nơi đây
Hào khí Đồng Nai dâng cao từ đó.

3. Trước nạn thực dân
Giặc Pháp kéo vào Gia Định, ào ạt xâm lăng
Dân ta sống ở Đồng Nai, bừng bừng phẫn nộ
Mài gươm vót giáo, vươn cao chí mạnh tâm hùng
Phá trại đốt tàu, sá ngại đầu rơi máu đổ
Nửa chừng giải giáp, vua cam cắt đất cầu hòa
Thả sức hoành hành, giặc dữ giết người cướp của
Nhân dân chiến đấu, chẳng thành công đâu phải yếu hèn
Phong kiến điều hành, chịu thất bại chỉ vì bảo thủ:
Tình hình đổi khác, không nhận ra một hướng canh tân
Lịch sử sang trang, vẫn giữ mãi những điều cổ hủ.

4. Mở đường cứu nước
Người Việt Nam đội trời đạp đất, sống đau thương tủi nhục sao đành!
Dân Đồng Nai vững chí bền gan, dẫu chém giết tù đày há sợ?
Lửa anh hùng: dập tắt lại bùng lên
Vận Tổ quốc: mờ đi rồi lại tỏ
Mở đường cứu nước, Hồ Chí Minh như vầng nhật sáng ngời
Hết dạ vì dân, Đảng Cộng sản giương ngọn cờ giác ngộ
Năm Bốn lăm lịch sử, bão căm hờn rung chuyển cả non sông
Ngày Tháng Tám mùa thu, sóng cách mạng trào lên như bão vũ
Ngàn năm phá ách cường quyền
Một buổi dựng nền dân chủ.

5. Giặc lại hung tàn
Độc lập tự do giành được, tưởng lâu dài biển lặng trời yên
Thực dân đế quốc quay về, lại bỗng chốc bom rền đạn nổ
Chín năm thảm bại, Pháp cùng đường lủi thủi lui quân
Mấy độ mưu toan, Mỹ thay thế hung hăng đổ bộ
Chúng muốn ta trở về đồ đá, phá chẳng từ trường học, nhà thương
Chúng gieo đầy chất độc da cam, hại cả đến cỏ cây, muông thú
Thói hung tàn tối cả không gian
Bóng bạo ngược trùm lên lịch sử.
Ba mươi năm bão táp,Việt Nam cao như cột chống trời
Một mảnh đất kiên cường, Đồng Nai vững như vàng thử lửa.

6. Ta càng trí dũng
Trên đất Đồng Nai, dưới trời Nam bộ
Đi trước về sau, đầu sóng ngọn gió
Trải bao nguy khốn, Đảng vẫn vững vàng
Gặp bước hiểm nghèo, dân càng gắn bó
Trí mưu: đánh bót diệt đồn
Anh dũng: trừ gian bám trụ
Phá Xuân Lộc tan tành lũy thép: cực hoang mang Mỹ cút Ngụy nhào
Vào Sài Gòn rực rỡ cờ hoa: đại đoàn tụ trời xưa đất cũ.
Quê hương giải phóng, đỉnh Long sơn bát ngát mây bay
Ngày tháng thanh bình, dòng Phước thủy dạt dào sóng vỗ.

7. Văn hiến vươn cao
Một cuộc chiến tranh khốc liệt, bao nhiêu hậu quả nặng nề!
Ruộng đồng từng bỏ hoang sơ, nhà cửa nhiều phen đổ vỡ
Phục hồi sản xuất: chưa thôi đổ máu, thêm chảy mồ hôi!
Phát triển kinh doanh: chẳng bớt lao tâm, còn đầy khổ tứ
Không mấy chốc, nông thôn thành thị dựng lại khang trang
Khắp mọi nơi, xí nghiệp công trường xây lên đồ sộ.
Lấy lý luận soi vào thực tiễn: chủ trương đảng bộ kịp thời
Đưa mạnh giàu theo hướng văn minh: kiến thức nhân dân rộng mở
Học ông cha thuở trước: ngày ngày văn hiến vươn cao
Giúp con cháu mai sau: lớp lớp nhân tài nở rộ.

8. Tương lai tươi sáng
Nẻo tương lai đã rực hào quang
Đường phấn đấu còn đầy thách đố.
Kỷ nguyên trí tuệ: được thua do đầu óc thông minh
Hội nhập toàn cầu: thành bại ở tài năng thi thố!
Xây lại miếu trên nền tảng mới: thu tinh hoa hiện đại tự ngàn phương
Dựng thêm bia giữa nước non này: lưu truyền thống tiền nhân cho vạn thuở.
Tổ Hùng Vương cơ nghiệp trường tồn
Hồ Chủ tịch công huân bất hủ.
Thành đồng Tổ quốc mãi mãi vẻ vang
Hào khí Đồng Nai đời đời rực rỡ.
Các bài viết về chuyên đề:
   Dạ cổ hoài lang
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây