Tác giả bài viết: Hải Minh
Ba thập kỷ sau khi được UNESCO vinh danh, Di sản Huế không ngừng thay đổi, hồi sinh dần trở lại với diện mạo vốn có trong lịch sử và đang vươn mình với sức sống ngày càng mãnh liệt.
Tối ngày 17/6, tại TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm Quần thể di tích Cố đô Huế, 20 năm Nhã nhạc - Âm nhạc Cung đình Việt Nam được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa thế giới.
Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; lãnh đạo, đại diện các Ban, Bộ, Ngành Trung ương và một số địa phương; Quyền Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam Miki Nozawa… tham dự buổi lễ.
Hồi sinh từ bờ vực thẳm của diệt vong, quên lãng
Trong diễn văn tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh Thừa Thiên - Huế là một trong những trung tâm văn hóa - du lịch lớn của đất nước - là điểm hội tụ tinh hoa văn hoá của dân tộc Việt Nam, chứa đựng trong lòng một kho tàng di sản văn hoá vô cùng phong phú và đa dạng.
Cách đây 30 năm, Ủy ban Di sản Thế giới UNESCO đã công nhận Quần thể di tích Cố đô Huế là Di sản văn hóa thế giới; 10 năm sau, Nhã nhạc - Âm nhạc Cung đình Việt Nam tiếp tục được vinh danh là kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đầu tiên của Việt Nam được UNESCO ghi danh.
Lịch sử vùng đất Cố đô Huế đã tạo ra những di sản văn hóa có giá trị tiêu biểu mang tính toàn cầu, song do sự tàn phá ác liệt của chiến tranh, của thiên tai và thời gian đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể.
Năm 1981, sau khi nghiên cứu và khảo sát Quần thể di sản Huế, ông M'Bow - Tổng Giám đốc UNESCO lúc bấy giờ đã ra Lời kêu gọi cứu vãn di sản văn hóa Huế, với thông điệp: "Di sản Huế đang ở trong tình trạng lâm nguy, đang đứng bên vực thẳm của sự diệt vong và sự quên lãng" và chỉ có "một sự cứu nguy khẩn cấp" với nỗ lực của Chính phủ Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế thì mới có thể giúp Cố đô Huế thoát ra khỏi tình trạng trên.
Từ quan điểm chỉ đạo của Trung ương về văn hóa và sau lời kêu gọi của Tổng Giám đốc UNESCO, là khoảng thời gian chứng kiến sự chuyển biến tích cực trong việc gìn giữ, bảo tồn Di sản Huế; đã có hàng trăm công trình di tích được phục hồi, trùng tu tôn tạo, trong đó có nhiều công trình có giá trị tiêu biểu. Các di sản văn hóa phi vật thể cũng được chú trọng nghiên cứu bảo tồn một cách bài bản và phát huy một cách hiệu quả.
Bộ mặt Di sản Huế không ngừng thay đổi, hồi sinh dần trở lại với diện mạo vốn có trong lịch sử và đang vươn mình với sức sống ngày càng mãnh liệt, giúp Thừa Thiên - Huế bước ra khỏi sự lãng quên để trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước có 2 di sản vật thể và phi vật thể được UNESCO vinh danh.
Đến nay, Thừa Thiên - Huế có 7 di sản được UNESCO ghi danh, trong đó, có 5 di sản của riêng Huế và 2 di sản chung với các địa phương khác.
Di sản là nền tảng để Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương
Để định hướng, nâng cao tầm vóc, vị thế cho Di sản Huế phù hợp với xu thế phát triển chung của đất nước trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 48-KL/TW năm 2009, Kết luận số 175- KL/TW năm 2014 và Nghị quyết 54-NQ/TW năm 2019 về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế, trong đó, đã nhấn mạnh đến việc đầu tư cho sự nghiệp bảo tồn, phát huy di sản và xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành một trong những trung tâm văn hóa - du lịch của đất nước và khu vực; khẳng định vai trò hết sức quan trọng của Di sản Huế đối với sự phát triển kinh tế xã hội của quốc gia và tỉnh nhà; đặc biệt là vai trò nền tảng để xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Cùng với đó, Trung ương cũng đã hết sức quan tâm, kịp thời ban hành nhiều cơ chế, chính sách tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho chiến lược bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Huế một cách toàn diện cả vật thể, phi vật thể, cảnh quan môi trường và mở rộng quan hệ giao lưu, hợp tác quốc tế.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, chương trình kỷ niệm năm nay là dịp để nhìn nhận và đánh giá một cách khách quan, toàn diện về công cuộc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của vùng đất Cố đô Huế.
Lãnh đạo tỉnh hoan nghênh và đánh giá cao những thành tựu nổi bật, sự nỗ lực, cố gắng của ngành văn hóa tỉnh nhà, đặc biệt là Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế - đơn vị trực tiếp làm công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Cố đô Huế.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, vẫn còn đó không ít các công trình tiêu biểu chưa được phục hồi; các tiềm năng, thế mạnh của Di tích Huế chưa được phát huy hiệu quả, lợi thế so sánh của vùng đất Cố đô.
Các giá trị văn hoá phi vật thể tuy được ưu tiên đầu tư nhưng kết quả đạt được còn hạn chế so với yêu cầu. Bên cạnh đó, việc giải quyết bài toán giữa "bảo tồn và phát triển" là một thách thức không nhỏ đối với tỉnh Thừa Thiên Huế.
Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương trân trọng cám ơn sự quan tâm chỉ đạo, sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cơ quan Trung ương, các địa phương và các tổ chức quốc tế; đồng thời, ghi nhận và đánh giá cao sự đóng góp tích cực của các tập thể, cá nhân trong và ngoài nước đối với công tác trùng tu, bảo vệ và phát huy giá trị Di sản văn hoá Huế.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương mong muốn tỉnh sẽ tiếp tục nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm chỉ đạo và hỗ trợ của Trung ương, các địa phương, các tổ chức quốc tế, cùng bạn bè gần xa để công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản của vùng đất Cố đô Huế sẽ lên tầm cao mới, góp phần đưa tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.
UNESCO đánh giá cao công tác bảo tồn di tích Cố đô
Phát biểu tại buổi lễ, Quyền Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam Miki Nozawa khẳng định UNESCO trân trọng và đánh giá cao mối quan hệ hợp tác bền chặt với tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian qua, công tác bảo tồn di tích Cố đô đã được phát huy với "tinh thần quyết tâm cao" và đạt được "nhiều kết quả to lớn".
Bà Miki Nozawa nhớ lại 30 năm trước, UNESCO và cộng đồng quốc tế nhận thức sự cấp bách của việc hỗ trợ Việt Nam gìn giữ và bảo vệ các di sản quý báu của mình trong bối cảnh phần lớn các di tích ở trong tình trạng hư hỏng nghiêm trọng trong khi Việt Nam vừa mới bước vào thời kỳ đầu hội nhập quốc tế và còn nhiều khó khăn.
Vậy mà 30 năm sau, chúng ta vui mừng chứng kiến sự chuyển mình của khu Di sản Thế giới này với những kết quả vô cùng tích cực sau nhiều dự án đầu tư và tái đầu tư cho công cuộc bảo tồn. Quần thể di tích Cố đô Huế trở thành một trong những khu di tích được bảo tồn hiệu quả nhất cả về mặt cấu trúc cũng như các hạng mục di sản phi vật thể khác. Cố đô Huế chính là một điển hình thành công tại Việt Nam và trong khu vực, bà Miki Nozawa đánh giá.
Quyền Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam khẳng định có được kết quả trên là nhờ nỗ lực của cả tập thể bao gồm nhiều thế hệ lãnh đạo, quản lý, các cơ quan hữu quan và các cộng đồng của di sản, những người đã tích cực thực hiện cam kết với UNESCO và cộng đồng quốc tế nhằm gìn giữ và phát huy di sản để Quần thể di tích Cố đô Huế đã và sẽ tiếp tục là một phần không thể thiếu trong mạng lưới các khu Di sản Thế giới.
Phát huy giá trị kinh tế di sản phải luôn đi đôi với bảo tồn
Phát biểu tại buổi lễ, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh: Trải qua lịch sử hơn 700 năm kể từ khi mở cõi, các bậc tiền nhân đã không ngừng phát huy công sức, trí tuệ để gây dựng nên một xứ Huế "sơn thuỷ hữu tình", yên bình và giàu bản sắc; hun đúc nên những phẩm chất quý báu của con người Huế: yêu nước, kiên trung, đoàn kết, hoà thuận, hiếu học, tinh tế, khiêm nhường và mến khách.
Thừa Thiên Huế còn tự hào là quê hương của nhiều nhà yêu nước, nhà cách mạng, văn nghệ sĩ tài hoa; là nơi ghi dấu ấn quan trọng trong cuộc đời, sự nghiệp của nhiều nhân sĩ, trí thức Việt Nam; và cũng là mảnh đất lưu dấu nhiều ân tình đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu.
Văn hoá Huế là văn hóa đặc sắc trong tổng thể nền văn hóa Việt Nam. Sự đan xen, hòa quyện giữa nhiều sắc thái văn hóa đậm đà với vẻ đẹp mộng mơ của sông Hương, núi Ngự Bình, phá Tam Giang, vịnh Lăng Cô, vườn quốc gia Bạch Mã cùng nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ khác đã làm nên đặc trưng, phong vị riêng, không nơi nào có được của văn hóa Huế, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.
Qua thời gian, những đặc trưng, phong vị đó được kết tinh sâu lắng trong hệ thống giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, từ kiến trúc, âm nhạc, tín ngưỡng, lễ nghi, đến ẩm thực, ngành nghề thủ công truyền thống… toả sáng, trở thành niềm tự hào của văn hóa Việt Nam và được thế giới tôn vinh, công nhận.
Với việc Quần thể Di tích Cố đô Huế - Di sản Văn hoá đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá thế giới và 10 năm sau đó, là Nhã nhạc - Âm nhạc Cung đình Việt Nam đã mở đường đưa những di sản văn hóa Việt Nam từng bước hội nhập sâu rộng vào khu vực và thế giới, khẳng định với thế giới rằng: Văn hoá Việt Nam là nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Việt Nam là một quốc gia giàu có về văn hóa và có tiềm năng để phát triển mạnh ngành công nghiệp, dịch vụ văn hoá.
Ngày nay, Thừa Thiên Huế đang lưu giữ gần 1.000 di tích lịch sử văn hóa và hơn 500 lễ hội các loại, phản ánh sâu sắc một giai đoạn lịch sử văn hóa quan trọng của dân tộc Việt Nam. Đây cũng là địa phương duy nhất ở Việt Nam cũng như ở khu vực Đông Nam Á có 5 di sản văn hóa thế giới được UNESCO ghi danh.
Di sản Huế hoà quyện trong sự đa dạng, đặc sắc của văn hóa và những phẩm chất tốt đẹp của con người Huế đã thể hiện rõ tầm vóc, giá trị, trở thành động lực to lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị khoá XII về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 khẳng định: "Xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan thân thiện môi trường và thông minh".
Đặc biệt, Di sản Huế còn là một kênh ngoại giao văn hóa đặc sắc, là nhịp cầu nối hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy các mối quan hệ bang giao, hợp tác hữu nghị, tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Từ năm 2000, qua các kỳ Festival Huế, di sản văn hóa Huế đã được giới thiệu, quảng bá rộng rãi ra thế giới, ngày càng được nhiều người biết đến. Di sản Huế là địa điểm thường xuyên đón tiếp các nhà lãnh đạo, các nguyên thủ quốc gia, các đối tác trong và ngoài nước mỗi khi đến Huế và Việt Nam, để lại nhiều dấu ấn sâu đậm.
Theo đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, đó thực sự là một niềm tự hào to lớn của nhân dân Thừa Thiên Huế, nhân dân cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài, là minh chứng sinh động khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng ta: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng biểu dương những nỗ lực và thành quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thừa Thiên Huế, những người đã và đang thực hiện xuất sắc trọng trách trực tiếp bảo vệ, giữ gìn và phát huy những tài sản văn hóa vô giá của dân tộc.
Kế thừa và tiếp nối những thành quả to lớn và rất đáng tự hào đó, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cho rằng tỉnh Thừa Thiên - Huế cần tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản tại Cố đô Huế; bám sát nguyên tắc xử lý hài hoà mối quan hệ giữa gìn giữ, bảo tồn và phát huy, phát triển; khai thác, phát huy để tạo ra những giá trị kinh tế của di sản văn hoá phải luôn đi đôi với bảo tồn, tôn tạo để phát triển bền vững.
Đồng thời, cần đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá để lan toả các giá trị biểu trưng của di sản vùng đất Cố đô Huế; tăng cường nguồn lực đầu tư phát triển văn hóa, con người, phát triển có trọng tâm, trọng điểm để tạo sự bứt phá của một số ngành công nghiệp văn hóa, dịch vụ văn hoá có tiềm năng, thế mạnh to lớn của tỉnh Thừa Thiên - Huế./
Nguồn tin: Theo www.chinhphu.vn