Phan Châu Trinh sinh năm 1872, tự là Tử Cán, hiệu là Phan Tây Hồ, biệt hiệu Hy Mã. Ông quê làng Tây Lộc, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam (nay thuộc thôn Tây Hồ, xã Tam Phước, thị xã Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) trong một gia đình quan võ triều Nguyễn. Thân sinh ông từng tham gia phong trào Cần Vương trong tỉnh. Năm 1892, ông đi học và nổi tiếng học giỏi. Năm 1900, ông đỗ Cử nhân. Năm 1901, ông đỗ Phó bảng làm quan Thừa biện Bộ Lễ trong thời gian ngắn, rồi rời quan trường tham gia hoạt động cách mạng.
Sinh ra trong thời đại đất nước có nhiều biến động, phong trào Cần Vương chống Pháp (1885-1896) nổ ra và thất bại; đất nước rơi vào tình trạng khủng hoảng về đường lối đấu tranh và giai cấp lãnh đạo. Thấu hiểu nỗi đau mất nước, với tinh thần yêu nước nồng nàn ông kết giao với nhiều sĩ phu yêu nước như Huỳnh Thúc Kháng, Phan Bội Châu và cùng các bạn đi khắp Việt Nam cổ vũ đấu tranh, liên kết trí thức, văn sĩ yêu nước.
Nhà yêu nước Phan Châu Trinh hoạt động tích cực, sôi nổi trong phong trào Duy Tân giai đoạn đầu thế kỷ XX. Ông chọn con đường dấn thân đấu tranh nhưng ôn hòa, bất bạo động, coi dân chủ và coi việc dùng pháp luật, cai trị quy củ có thể quét sạch hủ bại phong kiến.
Tượng bán thân Phan Châu Trinh tại di tích số 9 Phan Thúc Duyện, phường 4, quận Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh (Ảnh: Ngô Viễn An)
Năm 1905 và 1911, Phan Châu Trinh sang Nhật Bản rồi sang Pháp để học hỏi, tìm con đường để góp phần đưa đất nước thoát khỏi ách cai trị của thực dân Pháp. Các năm 1906, 1919 và 1920, Phan Châu Trinh ba lần gửi một bức thư yêu cầu nhà cầm quyền Pháp phải thay đổi chính sách cai trị ở Việt Nam và Đông Dương. Bức thư đã gây tiếng vang lớn trong nhân dân, công khai nói lên tâm trạng bất mãn của dân chúng và khẳng định quyết tâm cải biến hiện trạng của đất nước. Năm 1908, Phong trào chống thuế ở Trung Kỳ thất bại, Phan Châu Trinh bị thực dân Pháp bắt và đày đi Côn Đảo. Năm 1911 ông sang Pháp sống, bí mật hoạt động cách mạng, cổ vũ tinh thần yêu nước và dân chủ.
Sau 14 năm, ngày 26/6/1925 Phan Châu Trinh từ Pháp trở về nước tiếp tục hoạt động diễn thuyết đề cao dân chủ, với mục tiêu và khẩu hiệu “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”. Trong đó: “Khai dân trí” là bỏ lối học cũ theo hệ phong kiến đương thời, chủ trương mở trường dạy chữ quốc ngữ và kiến thức khoa học để áp dụng vào cuộc sống; bài trừ các hủ tục lạc hậu, mà theo Ông là làm kìm hãm sự phát triển xã hội; “Chấn dân khí” là nêu cao tinh thần tự lực, tự cường của mọi tầng lớp nhân dân, hiểu được quyền lợi và nghĩa vụ của của bản thân đối với đất nước, nhằm giải thoát nọc độc chuyên chế của thực dân. “Hậu dân sinh” là tập trung phát triển kinh tế, tạo điều kiện để nhân dân khai hoang, làm vườn, lập hội buôn, sản xuất hàng nội hóa…
Ông xác định chủ trương “Khai dân trí” là quan trọng nhất, phải quan tâm đặt lên hàng đầu: “Trước tiên cần phát triển giáo dục, nâng cao trình độ nhân dân về ý thức dân chủ tự cường và phát triển xã hội, kinh tế, đào tạo những thanh niên thông minh và có tài trí thành những kỹ thuật viên giỏi phục vụ trong mọi ngành hoạt động, tạo nên sức mạnh và sự tiến hóa, thịnh vượng cho đất nước”. Điều đó cho thấy, đổi mới giáo dục có ý nghĩa quyết định đến việc khai sáng dân trí, thay đổi vận mệnh dân tộc.
Phan Châu Trinh nêu quan điểm tránh xa nền giáo dục chạy theo hư vị, hư danh, học không phải để mưu lợi cá nhân, hưởng vinh hoa phú quý, mà sự học là để giúp đời, cứu dân thoát khỏi ách nô lệ, cách tân đất nước để giành lại độc lập tự do. Ông ráo riết hoạt động để tập hợp những lực lượng yêu nước tiến bộ đủ mọi tầng lớp, huy động tài chính để xây dựng cơ sở vật chất, tiến hành 2 cuộc diễn thuyết công khai hợp pháp về đề tài “Quân trị chủ nghĩa và dân trị chủ nghĩa” và “Đạo đức và luân lý Đông Tây” tại Hội Việt Nam để mở mang dân trí. Ông cùng với hai người bạn của mình là Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng tích cực diễn thuyết, truyền bá tư tưởng của phong trào Duy Tân. Bên cạnh đó, Ông góp phần vào việc thức tỉnh nhân tâm, làm dấy lên phong trào yêu nước sôi nổi bằng những bài thơ, bài văn nóng hổi nhiệt huyết, biên soạn nhiều chuyên khảo tố cáo chính quyền thuộc địa và bè lũ tay sai ở Đông Dương và coi đó là một mặt hoạt động không thể thiếu trong sự nghiệp cao cả vì dân, vì nước của mình.
Ngoài ra, Phan Châu Trinh tích cực vận động sáng lập những trường học ở các địa phương như trường Đông Kinh Nghĩa Thục (Hà Nội), trường Dục Thanh (Phan Thiết)... để tư tưởng “Khai dân trí” lan tỏa trong mọi tầng lớp Nhân dân, gây tiếng
Năm 1926, Phan Châu Trinh trở bệnh nặng, sức khỏe dần suy yếu nhưng ông vẫn tranh thủ thời gian quý báu, dốc lòng hoạt động cứu nước. Ngày 24/3/1926 ông mất tại Sài Gòn, trên miệng còn kịp mỉm cười chào người bạn tâm giao Huỳnh Thúc Kháng và lời trăn trối "Độc lập dân tộc sở cậy Nguyễn Ái Quốc".
Hàng vạn người dân Sài Gòn lúc bấy giờ đã đưa tiễn nhà chí sỹ yêu nước Phan Châu Trinh về nơi an nghỉ cuối cùng. Phan Châu Trinh qua đời đã có tác động rất lớn đến cao trào yêu nước, thúc đẩy nhiều lớp người đứng vào hàng ngũ kháng chiến chống Pháp giành độc lập tự do cho tổ quốc. Mộ phần Phan Châu Trinh được an táng tại nghĩa trang của Hội Gò Công tương tế, làng Tân Sơn Nhất, hạt Gia Định, nay là địa chỉ 09 Phan Thúc Duyện, phường 9, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh.
Năm 1930, Hội Trung kỳ ái hữu cùng con cháu nhà chí sỹ yêu nước Phan Châu Trinh lập đền thờ tại số 23 đường Nguyễn Huy Tự, Quận 1, TP.HCM. Năm 1993, đền thờ được dời về ngay bên cạnh ngôi mộ của Cụ. Trước mộ có tấm bia đá cẩm thạch khắc chữ Hán “Việt Nam chính trị cách mạng gia Phan Châu Trinh tiên sinh chi mộ”. Sau mộ là bia đá thân thế và sự nghiệp của nhà chí sỹ yêu nước do Huỳnh Thúc Kháng soạn thảo ngày 02 tháng 8 năm 1926.
Tại di tích, ngoài mộ phần có đền thờ, phòng đọc sách và phòng lưu niệm trưng bày hình ảnh, hiện vật và tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp của nhà chí sỹ yêu nước Phan Châu Trinh. Hàng năm đến ngày giỗ Cụ (ngày 24.3), gia đình phối hợp với các cơ quan chính quyền, đoàn thể địa phương và thành phố tổ chức lễ tưởng niệm nhà chí sỹ yêu nước Phan Châu Trinh một cách trang trọng, thành kính. Đồng thời, phát huy truyền thống hiếu học, Quỹ học bổng Phan Châu Trinh ra đời và được duy trì với mục đích tốt đẹp là trao học bổng cho các học sinh hiếu học trên địa bàn thành phố, tạo động lực cho các em học sinh không ngừng rèn luyện, phấn đấu vươn lên, đạt thành tích tốt trong học tập.
Với tinh thần khẳng khái, suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Phan Châu Trinh luôn tôn chỉ mục tiêu phục vụ và cống hiến cho Tổ quốc. Ông đã để lại tấm gương sáng của một nhà chí sỹ yêu nước nặng nợ với mục tiêu “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”. Khu lưu niệm Cụ Phan Châu Trinh là chứng cứ lịch sử cho các thế hệ sau noi theo và xứng đáng được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia theo Quyết định số 3211 QĐ/BT ngày 12 tháng 12 năm 1994.