trongdong
text logo

Thanh Hóa: Đẹp hào hùng từ thuở sơ khai

Tác giả bài viết: Lê Hiệp

Thứ ba - 11/03/2025 22:15
Nói đến Thanh Hóa, là nói về vùng đất địa linh nhân kiệt, vùng đất có bề dày lịch sử và văn hóa, tất cả cùng hòa quyện tạo nên một xứ Thanh hào hùng từ ngàn xưa đến nay.
Vùng đất hào hùng lịch sử

Là nơi có đủ núi cao, sông dài và biển cả bao la, có lẽ Thanh Hóa là xứ sở hội tụ nhiều cảnh đẹp đáng chiêm ngưỡng nhất ở nước ta. Không dừng lại ở cảnh sắc, Thanh Hóa còn là nơi mà vẻ đẹp bản sắc của con người luôn được tôn vinh. Con người xứ Thanh từ xa xưa cho đến ngày nay, đều có nhiều đóng góp rất lớn cho sự phát triển của dân tộc.

Nhắc đến Thanh Hóa, sẽ gợi nhớ cho chúng ta về quá khứ hào hùng từ buổi sơ khai dựng nước và quá trình đấu tranh giữ nước, có bề dày lịch sử hào hùng và truyền thống văn hoá độc đáo. Là nơi sinh sống của người nguyên thủy, trải qua các thời kỳ dài của các nền văn minh cho đến nền văn minh Văn Lang cách đây hơn 2.000 năm lịch sử, văn hoá Đông Sơn ở Thanh Hóa đã toả sáng rực rỡ trong đất nước của các Vua Hùng. Trong thời đại phong kiến, người dân Thanh Hoá đã ghi lại những mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước, mở nước và giữ nước của cả dân tộc Việt Nam. Lần giở lại lịch sử, không khỏi tự hào khi Thanh Hoá là nơi phát tích của các vương triều: Tiền Lê, Hậu Lê, chúa Trịnh, chúa Nguyễn, triều Nguyễn.

Suốt mấy ngàn năm lịch sử, Thanh Hóa đã xuất hiện nhiều anh hùng dân tộc, danh nhân tiêu biểu như: Bà Triệu, Lê Hoàn, Lê Lợi, Khương Công Phụ, Lê Văn Hưu, Lê Thánh Tông, Đào Duy Từ... Cùng đi với những trang lịch sử oai hùng, Thanh Hóa có 1.535 di tích, trong đó có 134 di tích được xếp hạng quốc gia, 412 di tích đã xếp hạng cấp tỉnh với các di tích nổi tiếng như Núi Đọ, Đông Sơn, khu di tích Bà Triệu, Lê Hoàn, thành Nhà Hồ, Lam Kinh, Ba Đình, Hàm Rồng...  càng khẳng định xứ Thanh là một vùng “Địa linh nhân kiệt”.

 
1
Lễ hội Lam Kinh được tổ chức hằng năm tại Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Lam Kinh.

Nơi tạo hóa ban tặng những cảnh đẹp trường tồn với thời gian

Giáo sư Hoàng Xuân Hãn từng nhận định: “Trong cả nước Việt Nam, không có nơi nào có nhiều cảnh đẹp như ở Thanh Hóa”. Nhận định ấy có cơ sở, bởi những cảnh sắc đẹp đều có ở nơi đây. Thanh Hóa có núi, có sông, có biển... tạo hóa ban tặng cho Thanh Hóa nhưng ưu tiên nhất.  Đã có rất nhiều bài viết về những danh lam thắng cảnh này. Những cái tên như Bãi biển Sầm Sơn, núi rồng, cầu Hàm Rồng, sông Mã, động Hồ Công, động Kim Sơn, di tích Lam Sơn Thanh Hóa, Thành nhà Hồ... luôn là địa điểm người dân Thanh Hóa tự hào khi nhắc đến, khách thập phương tìm đến khi có dịp đến với Thanh Hóa.

Nhắc đến cảnh đẹp ở xứ Thanh, không thể nào không nhắc đến Núi Rồng, sông Mã, cầu Hàm Rồng, 3 biểu tượng tuyệt đẹp của xứ Thanh. Với núi Rồng, đây là tên gọi của dãy núi (99 ngọn) kéo dài từ ngã ba Giàng đến làng Đông Sơn (nên còn có tên là núi Đông Sơn). Các dãy núi uốn lượn quây quần bên hữu sông Mã, bên tả có một hòn núi đứng riêng gọi là núi Ngọc (hay núi Nít). Tuỳ theo hình thù và sự tích mỗi ngọn núi đều có tên gọi riêng biệt. Ngọn núi cuối cùng có hình như đầu Rồng vươn lên để ngậm hạt Ngọc nên được gọi là núi Hàm Rồng (tên chữ Hán là Long Hạm). Trên hành trình 410 km đổ vào đất Việt, sự hùng vĩ của dòng sông Mã được mệnh danh là hệ thống sông lớn nhất ở Thanh Hoá. Sông Mã đã gắn liền với sự hình thành của miền đất xứ Thanh suốt từ vùng cao tới tận vùng đồng bằng và miền biển. Từ sông Mã và các chi lưu của nó, thuyền bè có thể ngược, xuôi, lên rừng, xuống biển, đi được hầu hết các vùng, miền trong tỉnh và còn ra cả tỉnh ngoài... 

 
3
Thành Phố Thanh Hóa bên bờ sông Mã nhìn từ trên cao

Phần lớn các huyện ở Thanh Hoá có sông Mã và các chi lưu của nó chảy qua. Hầu hết các vùng đất này do vị trí thuận lợi đã xuất hiện sớm các khu dân cư, các chợ làng nằm sát ven sông Mã. Bởi thế bằng đường thuỷ trên sông Mã, du khách sẽ có dịp vãng cảnh ở xứ Thanh suốt từ vùng cao, tới tận đồng bằng và miền biển với những di tích lịch sử, văn hoá và danh lam thắng cảnh đặc sắc.

Và còn cây cầu Cầu Hàm Rồng nữa, cầu nằm tại thị trấn Tào Xuyên, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Theo đó, cầu Hàm Rồng là nhân chứng lịch sử đầy hào hùng cho ý chí quật cường của người dân xứ Thanh. Vào năm 1904, cầu Hàm Rồng Thanh Hóa được xây dựng bởi các kỹ sư người Pháp với thiết kế vòm thép độc đáo không cần trụ giữa. Cấu trúc ban đầu có nhiều điểm tương tự với cầu Long Biên ở Hà Nội với đường ray xe lửa chạy giữa và đường ô tô cũng như đường dành cho các phương tiện thô sơ ở hai bên. Vào thời đó, đây được coi là cây cầu hiện đại nhất tại Đông Dương.

 
4
Cầu Hàm Rồng, chứng nhân lịch sử

Với những nội lực có được của mình, từ cảnh sắc cho đến con người, Thanh Hóa đang ngày càng vươn lên mạnh mẽ. Cộng hưởng cùng lịch sử cách mạng đấu tranh giữ nước, xây dựng đất nước, con người Thanh Hóa không ngừng chung sức chung lòng để xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh. Phát huy ý chí tự cường, khát vọng thịnh vượng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc phấn đấu xây dựng Thanh Hóa ngày càng đi lên, phát triển không ngừng. 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây