trongdong
text logo

Dừng đốt vàng mã ở các điểm di tích tại Côn Đảo: Cần tính toán lộ trình phù hợp

Chủ nhật - 18/06/2023 04:11
Huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) vừa đột ngột đưa ra chủ trương hạn chế và tiến tới dừng đốt vàng mã trong các điểm, khu di tích gây bất bình cho người kinh doanh đồ thờ cúng (Đồ lễ) trên đảo. Nhiều ý kiến cho rằng cần phải có sự khảo sát, tính toán hợp lý để giảm thiểu tác động tiêu cực đến sinh kế của người dân và nhất là hộ kinh doanh mặt hàng này ở Côn Đảo trước khi ban hành chủ trương.
Nhiều hộ kinh doanh hoang mang

Nhiều năm gần đây, lượng khách du lịch đến Côn Đảo ngày càng đông, trong đó phần lớn là khách du lịch tâm linh viếng thăm nghĩa trang Hàng Dương, Hàng Keo và các di tích lịch sử gắn liền với phong trào cách mạng. Đi cùng với thăm viếng, nhằm tưởng nhớ những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống thì việc kinh doanh cung cấp Đồ lễ cũng trở thành một nhu cầu thiết yếu. Từ vài hộ kinh doanh ban đầu, đến nay, trên đảo đã có hơn 60 hộ kinh doanh buôn bán Đồ lễ và qua đó cũng tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động với thu nhập khá ổn định.

Tuy nhiên, ngày 7-4-2023 Huyện ủy Côn Đảo có thông báo kết luận số 251-KL/HU  về chủ trương hạn chế và tiến tới dừng cúng, đốt vàng mã trong các điểm, khu di tích trên địa bàn huyện. Cùng ngày, Trung tâm Bảo tồn di tích Quốc gia Côn Đảo cũng ra thông báo số 107-TB/TTBTDTQG yêu cầu người dân và du khách thực hiện nghiêm nội quy tham quan, viếng di tích phải tuân thủ các quy định phòng chống cháy nổ (hướng tới nói không với túi nilon, mút xốp cắm hoa, đốt vàng mã) khiến những hộ kinh doanh Đồ lễ bức xúc, bởi do cách xa đất liền nên lượng hàng nhập về rất lớn và nếu chủ trương dừng đốt vàng mã được triển khai thì việc kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Do đó, ngày 10-5-2023, khi UBND huyện tổ chức họp với 5 chủ hộ kinh doanh Đồ lễ, đại diện cho các hộ kinh doanh mặt hàng này thì bị các hộ phản đối, không ký vào biên bản cuộc họp. 
CĐ1
Côn Đảo sẽ trở thành khu du lịch sinh thái biển đảo và văn hóa - lịch sử - tâm linh đặc sắc tầm cỡ khu vực và quốc tế
Cần đánh giá kỹ tác động

Chị N.T.H.T. chủ của một tiệm kinh doanh Đồ lễ trên đảo chia sẻ, nếu trong bối cảnh cả nước cấm đốt vàng mã thì không có lý do gì để những người kinh doanh ở Côn Đảo không chấp hành. Thế nhưng, hiện cả nước vẫn chưa cấm mà Côn Đảo lại dừng thì có sự không công bằng cho các hộ kinh doanh Đồ lễ trên đảo, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay.

Còn theo ý kiến của một số hộ kinh doanh khác, phần lớn du khách từ miền Bắc đến đảo đều duy trì thói quen đốt vàng mã khi đến dâng hương tại các điểm, khu di tích, nhất là các nghĩa trang ở Côn Đảo. Do đó, việc kinh doanh dịch vụ Đồ lễ, trong đó có vàng mã cũng là đáp ứng nhu cầu chính đáng của số đông du khách theo quy luật của kinh tế thị trường “có cầu ắt có cung”. Vấn đề đặt ra là nếu thấy việc đốt vàng mã chưa đảm bảo môi trường, mỹ quan tại các di tích thì UBND huyện và Trung tâm Bảo tồn di tích Quốc gia Côn Đảo cần quy định, thiết kế một chỗ riêng đốt Đồ lễ, hóa vàng tại các di tích để không ảnh hưởng đến môi trường như nghĩa trang Hàng Dương đã làm. Hơn nữa, do đặc thù về điều kiện tự nhiên, cơ cấu kinh tế của trên đảo khá hạn chế, việc kinh doanh Đồ lễ không chỉ phục vụ lợi ích cá nhân mà còn thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động trực tiếp và người thân của họ. Vì vậy, người dân mong mỏi chính quyền cùng ngồi lại để bàn bạc để giải quyết hài hòa vấn đề kinh doanh với bảo vệ môi trường.
CĐ 2
Người dân cũng đồng thuận cho rằng, công tác chấn chỉnh việc đốt vàng mã bừa bãi gây ảnh hưởng đến môi trường là cần thiết

Người dân cũng đồng thuận cho rằng, công tác chấn chỉnh việc đốt vàng mã bừa bãi gây ảnh hưởng đến môi trường là cần thiết. Thế nhưng trước khi ban hành chủ trương, chính quyền cần khảo sát, lấy ý kiến để giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực tới sinh kế của người dân trên đảo. Tại buổi làm việc với chính quyền diễn ra vào ngày 10-5, đại điện các hộ kinh doanh Đồ lễ cho rằng, nếu vẫn tiếp tục chủ trương dừng đốt vàng mã thì chờ các địa phương khác làm trước bởi đặc thù du lịch Côn Đảo gắn liền với du lịch tâm linh, việc chuyển đổi ngành nghề đối với người dân không hề dễ dàng như ở đất liền. Một số ý kiến khác thì cho rằng, trước khi ban hành chủ trương dừng đốt vàng mã, chính quyền huyện Côn Đảo cần nghiên cứu kỹ những tác động của chính sách đối với đời sống của người dân và cũng cần chuẩn bị phương án chuyển đổi nghề phù hợp.

Trả lời chất vấn của PV báo SGGP, ông Lê Văn Phong, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo cho biết, chủ trương hạn chế và tiến tới dừng đốt vàng mã ở các điểm, khu di tích không cấm cản các hộ kinh doanh buôn bán Đồ lễ mà chủ yếu nhằm vận động người dân, du khách thực hiện nếp sống văn minh, tránh lãng phí nguồn lực và qua đó góp phần bảo vệ môi trường trên đảo. Hiện các đơn vị của huyện đang tiếp tục công tác tuyên truyền và lên kế hoạch chi tiết để thực hiện chủ trương với một lộ trình phù hợp.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 4.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây