trongdong
text logo

Đưa hợp tác kinh tế Việt Nam và Hàn Quốc gắn với tăng trưởng xanh

Tác giả bài viết: Lê Nguyễn

Thứ bảy - 24/06/2023 00:30

Trong khuôn khổ Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc diễn ra chiều 23/6 tại Hà Nội, nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc và Việt Nam đã tham dự với nhiều dự định đầu tư hấp dẫn, nhất là liên quan tới tăng trưởng xanh, vì mục tiêu giảm phát thải chung của khu vực, thế giới và của cả Việt Nam.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính và đại diện các hiệp hội doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Hàn Quốc - (Ảnh: Nhật Bắc)

Kỳ vọng mới về việc thúc đẩy hợp tác đầu tư Việt Nam – Hàn Quốc

Trong số các doanh nghiệp Hàn Quốc tham gia Diễn đàn có sự xuất hiện của lãnh đạo các tập đoàn kinh tế hàng đầu Hàn Quốc và Việt Nam như: Tập đoàn điện tử Samsung, Tập đoàn Doosan Enerbility, Công ty VINFAST, Tập đoàn Boston Counsulting Group (BCG), Ngân hàng Shinhan… Các doanh nghiệp đem đến Diễn đàn Kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc 2023 các tham luận liên quan đến những chủ đề: Hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp linh kiện điện tử; Chuyển đổi Net-zero: hợp tác Hàn - Việt trong lĩnh vực năng lượng; cơ hội hợp tác kinh doanh trong lĩnh vực giao thông xanh sử dụng năng lượng sạch; hợp tác trong chuyển đổi số và fintech…

Sự xuất hiện của đoàn doanh nghiệp, đặc biệt là các tỷ phú hàng đầu Hàn Quốc và thế giới đã mang tới những kỳ vọng mới về việc thúc đẩy hợp tác đầu tư Việt Nam – Hàn Quốc. Cả 5 tập đoàn lớn của Hàn Quốc đều đã đầu tư quy mô lớn vào Việt Nam và đang chuẩn bị các kế hoạch đầu tư mở rộng

Việt Nam và Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 12/1992 và trở thành Đối tác hợp tác chiến lược vào tháng 10/2009. Hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 12/2022. Hiện, Hàn Quốc là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam, đứng thứ nhất về đầu tư, thứ hai về ODA, thứ ba về thương mại. Tổng kim ngạch thương mại song phương năm 2022 đạt 87 tỷ USD, tăng 11,4% so với năm 2021.

 Trụ sở Samsung tại Việt Nam (Ảnh: PV)

Tại Diễn đàn, Lãnh đạo Samsung kiến nghị, Việt Nam cần đào tạo thực lực chỉ đạo doanh nghiệp. Đồng hành cùng hoạt động này, vào tháng 3/2018, Samsung đã ký thoả thuận với Việt Nam đưa vào chương trình đào tạo chuyên gia tư vấn. Năm 2022, đã hỗ trợ tuyển nguồn nhân lực xây dựng nhà máy thông minh ở Việt Nam, cốt lõi của dự án là dữ liệu giám sát thời gian thực, nâng cao năng lực hoạt động doanh nghiệp, tư vấn 26 doanh nghiệp, đào tạo 51 chuyên gia nhà máy thông minh.

Về kế hoạch tìm nguồn cung ứng của doanh nghiệp Việt Nam tại địa phương, Samsung cho biết, năm 2025, Tập đoàn Samsung nghiên cứu mở rộng lĩnh vực nâng cao tiêu chuẩn an toàn môi trường, đảm bảo chuỗi cung ứng ổn định cho nhà máy sản xuất cũng như hợp tác doanh nghiệp Việt Nam, tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi cung ứng cua Samsung. Tăng tốc đưa doanh nghiệp phát triển bền vững, thực hiện triết lý kinh doanh tương tác, tương sinh.

Đồng quan điểm hợp tác bền vững, hiệu quả, đại diện Tập đoàn VinFast Việt Nam chia sẻ về cơ hội hợp tác kinh doanh trong lĩnh vực giao thông xanh sử dụng năng lượng sạch.

 Tập đoàn Doosan Enerbility  tại VIệt Nam (Ảnh: PV)

Đề cập tới chủ đề chuyển đổi net-zero, hợp tác Hàn – Việt trong lĩnh vực năng lượng, đại diện Tập đoàn Doosan Enerbility thông tin, Doosan hiện đang có 4 nhà máy nhiệt điện tại Việt Nam. Theo đó, từ năm 2006, Tập đoàn đã đầu tư xây dựng sản xuất với quy mô 300 triệu USD, tổng số 1.600 nhân viên người Việt Nam với tổng diện tích 100ha. Trước kia, sản xuất nồi hơi sử dụng nhiên liệu than đá, tương lai ứng dụng năng lượng sạch để sản xuất, áp dụng công nghệ năng lượng tái tạo, công nghệ cốt lõi điện gió theo hướng cắt giảm CO2, cung cấp hệ thống bắt giữ carbon phát sinh khi phát điện.

“Nếu Việt Nam có nhu cầu, Doosan sẵn sàng tham gia vào dự án điện nhiệt nguyên tử. Chúng tôi mạnh trong triển khai các dự án điện quy mô điện lớn và nhỏ, đặc biệt có thế mạnh liên quan tới điện khí, điện gió. Liên quan tới Quy hoạch Điện 8 của Việt Nam, với công nghệ chế tạo công nghệ tua-bin, tiên phong trong lĩnh vực điện gió, doanh nghiệp của chúng tôi có thể đóng góp vào lĩnh vực điện gió Việt Nam”- vị đại diện Doosan nói.

BCG đầu tư mạnh về năng lượng xanh, năng lượng tái tạo tại Việt Nam (Ảnh: PV) 

Đại diện Tập đoàn Boston Counsulting Group (BCG) đề cập sâu tới việc hợp tác trong tăng trưởng xanh và năng lượng sạch theo hướng đẩy mạnh, thời gian qua, BCG đã cụ thể hóa hợp tác đối tác, giới thiệu đối tác về môi trường đầu tư Việt Nam. “Việt Nam có nhiều yếu tố quan trọng để thực hiện tăng trưởng xanh, có đường biển dài phát triển năng lượng tái tạo, tỷ lệ sử dụng công nghệ số cao, Việt Nam có 100 triệu dân, sẵn sàng chi tiêu cho các sản phẩm bảo vệ môi trường; thêm vào đó khả năng thu hút FDI cao; đà tăng trưởng nền kinh tế xanh của Việt Nam cao, trữ lượng carbon của Việt Nam dồi dào với tỷ lệ che phủ rừng cao. Nhóm ngành xanh ưu tiên có cơ hội mới tại Việt Nam như điện gió, mặt trời, các dự án khí hydro, giao thông sạch, ngành có giải pháp công nghiệp xanh. 30 năm vừa qua, đầu tư Hàn Quốc vào Việt Nam tăng trưởng liên tục và tập trung vào phát điện, khí hydrro, công nghiệp, hệ thống thu gom và lưu trữ tái sinh khí carbon”- đại diện BCG nhận định.

Vị đại diện này cũng kiến nghị, Việt Nam cần thay đổi môi trường đầu tư minh bạch hơn. Chính phủ Việt Nam đã quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư, chủ động kế hoạch thu hút đầu tư lĩnh vực xanh, tài chính xanh nhưng cần khuôn khổ pháp lý rõ ràng, phân loại hệ thống về đầu tư xanh, phát triển xanh, tiêu chuẩn đo đạc báo cáo thẩm tra về tiêu chuẩn xanh.

 Shinhan mở rộng phạm vi hoạt động tại Việt Nam (Ảnh: PV)

Phân tích về hợp tác trong chuyển đổi số và Fintech, đại diện Ngân hàng Shinhan nhìn nhận, Việt Nam là quốc gia phát triển nhanh, có tiềm năng phát triển. Tính đến 2023, Shinhan đã đầu tư vào Việt Nam được 30 năm nay, Shinhan đã có 46 địa điểm tại Việt Nam, có bộ phận chuyên về số hóa tại Việt Nam với phương hướng phát triển thị trường số hóa do nhu cầu, tiềm năng tại Việt Nam đang cao, tầng lớp sử dụng số hóa tại Việt Nam tăng nhanh. Những tháng đầu 2023, Shinhan đã thu hút 1,2 triệu khách hàng sử dụng ngân hàng kỹ thuật số.

“Ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam có quy mô lớn, cần kết hợp giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, đối tác startup Việt Nam với Hàn Quốc, vì thế, chúng tôi hy vọng sẽ là đối tác hình thành hệ sinh thái. Chuyển đổi số là cấp thiết trong hiện tại, chúng tôi cam kết cố gắng là đầu mối, cầu nối cho doanh nghiệp fintech” – Đại diện Shinhan chia sẻ.

Đầu tư chiến lược, bền vững tại Việt Nam

Trong tiến trình hội nhập và phát triển, Việt Nam hoan nghênh sự tham gia tích cực của các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các doanh nghiệp Hàn Quốc. Định hướng thu hút đầu tư hiện nay của Việt Nam là có chọn lọc, ưu tiên các lĩnh vực kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, lấy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo làm nền tảng, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu, phù hợp với Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.

Theo đó, Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp Hàn đầu tư vào Việt Nam các lĩnh vực tiềm năng như đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, công nghệ sinh học, điện tử, bán dẫn, năng lượng sạch, kinh tế xanh, đô thị thông minh, nông nghiệp công nghệ cao… 

Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư Nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Hàn Quốc xếp thứ 1/43 đối tác đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn FDI 81,5 tỷ USD với 9.666 dự án. 5 tháng đầu năm 2023, đầu tư 666,5 triệu USD, đứng thứ 5/82 quốc gia/vùng lãnh thổ, giảm 67,6% so với cùng kỳ năm 2022. “Con số không phản ánh được thực trạng doanh nghiệp Hàn Quốc vào Việt Nam, các doanh nghiệp Hàn Quốc vẫn đang hướng vào Việt Nam mạnh mẽ”, ông Hoàng nhấn mạnh.

Cũng theo ông Hoàng, bối cảnh thu hút FDI thuận lợi trong nước là Chính phủ đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn, phục hồi, phát triển kinh tế. Tuy nhiên, thách thức là tình hình kinh tế Việt Nam hiện đang gặp nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của kinh tế thế giới, thủ tục hành chính còn bất cập, tình trạng thiếu điện tại một số địa phương phía Bắc, sức mua giảm, tình hình thiếu lao động cục bộ, đặc biệt là lao động chất lượng cao, bị động trong quy định phòng cháy chữa cháy.

 Cục trưởng Cục Đầu tư Nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Nhất Hoàng phát biểu tại Diễn đàn (Ảnh: HNV)

Theo ông Hoàng, giải pháp để thu hút FDI là tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì mức lạm phát ổn định; Tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay, ổn định thị trường ngoại tệ, tỷ giá, cơ cấu lại thời gian trả nợ của doanh nghiệp; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng.

Thông tin tại Diễn đàn, ông Đỗ Nhất Hoàng cũng nhấn mạnh, Việt Nam đã và đang chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Việt Nam cũng ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, chuyển giao công nghệ, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Để khắc phục các khó khăn thách thức vừa qua, Chính phủ đã triển khai đồng bộ các giải pháp: Tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì mức lạm phát ổn định; Tiếp tục giảm mặt bằng lãi xuất huy động và cho vay, ổn định thị trường ngoại tệ, tỷ giá, cơ cấu lại thời hạn trả nợ của doanh nghiệp; Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng, xuất nhập khẩu; Mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, phát huy các FTAs đã ký kết; Triển khai các chính sách kích cầu, tăng cường tiêu dùng nội địa; Thúc đẩy chuyển đổi số, triển khai hạ tầng công nghệ thông tin để phục vụ người dân, doanh nghiệp... 

Hy vọng rằng, các doanh nghiệp Hàn Quốc tiếp tục tin tưởng và gắn bó với Việt Nam trong quá trình phát triển. Theo đó, các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc trong thời gian tới tiếp tục mở rộng đầu tư, xây dựng chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững, thân thiện môi trường, góp phần cùng Việt Nam thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đặc biệt, các hiệp hội Hàn Quốc với vai trò “cánh tay nối dài” của các doanh nghiệp Hàn Quốc với Chính phủ Việt Nam, kịp thời cung cấp và báo cáo các vướng mắc, khó khăn của các hội viên trong quá trình hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam; kịp thời kiến nghị, đề xuất các chính sách, pháp luật phù hợp./.

Nguồn tin:  dangcongsan.vn:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây