trongdong
text logo

Xây dựng vùng Đồng Tháp Mười thành nơi sản xuất nguyên liệu cây ăn quả chất lượng cao

Tác giả bài viết: Bảo Châu (t/h)

Thứ hai - 22/05/2023 00:48

Thời gian qua, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, các địa phương vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An đã chủ động chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác cho hiệu quả kinh tế cao.

 Trồng cây ăn trái hiệu quả kinh tế cao tại vùng Đồng Tháp Mười. (Ảnh: Báo Long An)

Theo đó, từ năm 2012 đến nay, nông dân các địa phương nói trên đã chuyển đổi trên 18.000 ha đất trồng lúa sang trồng sầu riêng, mít, bưởi da xanh, chanh không hạt,... thu về lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với trồng lúa.

Theo Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh Long An, với những điều kiện thuận lợi sẵn có, ngành Nông nghiệp tỉnh này đã và đang triển khai, thực hiện Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu cây ăn quả vùng Đồng Tháp Mười đạt chuẩn tiêu thụ trong nước và xuất khẩu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025. Đây được xem là nhu cầu cần thiết để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, góp phần tăng thu nhập cho nông dân.

Ông Lê Quốc Bổn - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An cho hay, huyện được tỉnh Long An giao chỉ tiêu đến năm 2025 xây dựng vùng cây ăn quả với diện tích 2.250 ha. Từ đó, huyện đã phối hợp các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động nông dân chuyển đổi những diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng những loại cây hiệu quả kinh tế cao hơn theo đúng chủ trương, định hướng của tỉnh Long An.

Mục tiêu của Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu cây ăn quả vùng Đồng Tháp Mười đạt chuẩn tiêu thụ trong nước và xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Long An đến năm 2025 là hình thành vùng nguyên liệu cây ăn quả trên 10.500 ha, trong đó, diện tích vùng nguyên liệu mít trên 3.500 ha, xoài trên 700 ha, sầu riêng 340 ha, còn lại trên 6.000 ha trồng các loại cây ăn quả khác như bưởi, chuối, mãng cầu,....

Được biết, vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An bao gồm 5 huyện và 1 thị xã, đó là các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Hộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa và thị xã Kiến Tường đây là khu vực sản xuất nông nghiệp chủ lực của địa phương này. Chính vì vậy, việc quy hoạch thành vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đang được các cấp, ngành và địa phương đặc biệt quan tâm.

Để thực hiện được mục tiêu trên, tỉnh Long An đã ưu tiên đầu tư vào các dự án xây dựng và phát triển Trung tâm công nghệ sinh học Đồng Tháp Mười; dự án ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất giống lúa chất lượng cao; thực hiện dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời, phát huy mạnh mẽ vai trò kinh tế hợp tác trong sản xuất lớn, bền vững và là chủ thể quan trọng trong ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, triển khai chính sách phát triển nông nghiệp-nông thôn./.

Nguồn tin: Theo dangcongsan.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây