Tác giả bài viết: Nguyễn Hoa
Sứ mệnh của báo chí cách mạng Việt Nam chính là lan tỏa những giá trị tốt đẹp, tạo niềm tin, sự phấn khởi, lạc quan trong xã hội, tạo động lực tinh thần, thúc đẩy công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước ngày càng tốt đẹp hơn.
Không ngừng phát triển và khẳng định vị thế
Cách đây 98 năm, ngày 21/6/1925, báo Thanh niên, cơ quan ngôn luận của Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội chính thức ra đời, góp phần chuẩn bị về tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trong lịch sử báo chí Việt Nam, từ những năm 60 thế kỉ XIX đã có “Gia Định báo” và một số báo lần lượt ra đời tại Sài Gòn, Hà Nội và một vài địa phương khác. Những năm đầu thế kỷ 20, hàng loạt tờ báo của người Việt Nam được xuất bản, tập hợp nhiều nhà văn, nhà báo, nhà trí thức theo từng nhóm nhỏ nhưng có các khuynh hướng chính trị khác nhau, nên không thể tập hợp vào chung một tổ chức thống nhất. Đến ngày 21/6/1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), báo “Thanh niên” do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập, ra mắt số đầu tiên thì dòng báo chí cách mạng Việt Nam mới bắt đầu hình thành.
Từ khi có báo “Thanh niên”, báo chí Việt Nam giương cao ngọn cờ cách mạng, nói lên ý chí, khát vọng của dân tộc Việt Nam và chỉ rõ phương hướng đấu tranh của nhân dân Việt Nam vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.
Ngày 2/6/1950, Chính phủ chính thức quyết định cho thành lập Hội “Những người viết báo Việt Nam” (Hội Nhà Báo Việt Nam ngày nay). Đến tháng 7/1950, Tổ chức Báo chí quốc tế (OIJ) nhóm họp ở Phần Lan đã công nhận Hội những người viết báo Việt Nam là thành viên chính thức của tổ chức.
Tháng 2/1985, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Bí thư Trung ương Ðảng ra quyết định số 52 ngày 5/2/1985 lấy ngày ra số đầu tiên của báo Thanh Niên làm ngày Báo chí Việt Nam (21/6/1925) nhằm nâng cao vai trò và trách nhiệm xã hội của báo chí, thắt chặt mối quan hệ giữa báo chí với công chúng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí.
Từ đó đến nay, báo chí cách mạng luôn đồng hành cùng sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng là đội quân xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng và Nhà nước.
Tạo niềm tin, truyền cảm hứng
Sinh thời, từng là một nhà báo lỗi lạc của báo chí cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định báo chí là công cụ tuyên truyền, cổ động, tổ chức . Dù ở góc độ nào, vẫn luôn nổi lên vấn đề định hướng dư luận và lịch sử 98 năm của báo chí cách mạng Việt Nam luôn cho thấy rõ điều đó. Đồng thời, dưới sự lãnh đạo của Đảng đưa đất nước đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Báo chí đã đi sâu vào thực tiễn đời sống, phát hiện, giới thiệu, cổ vũ các mô hình kinh tế mới, cách làm ăn mới, nêu gương người tốt việc tốt. Báo chí cũng đã thể hiện rõ quan điểm bảo vệ và phát huy bản sắc, truyền thống văn hóa dân tộc, tuyên truyền cổ vũ toàn dân phát huy có chọn lọc nền văn hóa tiên tiến của các nước trên thế giới, góp phần nâng cao dân trí, ngăn chặn văn hóa xấu len lỏi vào Việt Nam. Từ đó góp phần khơi dậy khát vọng lớn, giấc mơ lớn tạo thành sức mạnh tinh thần. Bởi từ sức mạnh tinh thần sẽ nhân lên được sức mạnh vật chất. Chưa từng có quốc gia nào, dân tộc nào đi lên mà không có sức mạnh tinh thần.
Cùng với quá trình lịch sử vẻ vang của Báo chí cách mạng Việt Nam, đội ngũ người làm báo đã đồng hành cùng dân tộc suốt hơn chín thập kỷ qua và có nhiều đóng góp rất quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Những đóng góp quan trọng, những thành tích nổi bật của đội ngũ những người làm báo đã làm ngời sáng truyền thống vẻ vang của báo chí và đội ngũ người làm báo cách mạng.
Dù ở thời kỳ nào, các nhà báo vẫn luôn tôi rèn bản lĩnh, đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội đối với công chúng; xây dựng và rèn luyện bản lĩnh của người cầm bút để thực sự trở thành chiến sỹ tiên phong trên mặt trận văn hóa - tư tưởng của Đảng, xứng đáng với sự tin yêu, kỳ vọng của nhân dân, góp phần xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam giàu tính chiến đấu, nhân văn, chuyên nghiệp và hiện đại vì lợi ích của đất nước và nhân dân.
Ngày 21/6 hàng năm là dịp để những người làm báo nhớ về lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người luôn nhấn mạnh vai trò quan trọng và tác động to lớn của báo chí, Người coi “Văn hóa là một mặt trận”, “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Ngoài ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh, phẩm chất đạo đức, năng lực của người làm báo là yêu cầu không thể thiếu để báo chí xứng đáng với vai trò vị trí quan trọng trong công cuộc cách mạng chung của đất nước.
Nguồn tin: suckhoemoitruong.com.vn: