trongdong
text logo

“BÁO CHÍ GIẢI PHÁP” - Xu hướng tích cực của báo chí trong giai đoạn hiện nay

Tác giả bài viết: NGUYỄN MINH HẢI

Thứ tư - 14/06/2023 22:10
BCGP 1
Buổi gặp mặt báo chí giới thiệu và phát động cuộc thi báo chí với chủ đề “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới” do báo Quân đội nhân dân phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức
Trong một thời gian dài, báo chí nước ta được cho là có phần thiên về phản ánh, đặc biệt là phản ánh kết hợp phê phán, đối với các vấn đề hiện thực của đất nước, của xã hội. Điều đó xét cho cùng là không có gì sai trái, thậm chí có những mặt tích cực, nếu như việc phản ánh hay phê phán chính xác và với tinh thần xây dựng. Bởi trong xã hội luôn tồn tại những vấn đề thiếu lành mạnh, tiêu cực, cần được vạch mặt, chỉ tên, đấu tranh, lên án, nhằm điều chỉnh nhận thức và hành vi, từ đó loại trừ dần các vấn đề tiêu cực và ngăn chặn sự tái diễn của nó.

Tuy nhiên, nếu báo chí lạm dụng hoặc thực hiện sự phê phán thiếu tính chất xây dựng thì có thể làm bộ mặt xã hội trở nên u ám, giảm niềm tin của công chúng. Khi đó, báo chí có thể trở thành phương tiện để chỉ trích, đấu tranh, thậm chí là công cụ để ai đó công kích người khác. Biểu hiện như vậy sẽ gây tổn thất cho chính báo chí và cho xã hội.

Gần đây, nhiều người đã nêu vấn đề “báo chí giải pháp” và xem đó là một xu hướng thay vì là “báo chí phê phán” như trước.

Báo chí giải pháp có thể hiểu là bên cạnh các hoạt động phản ánh, phê phán, đấu tranh, báo chí còn thực hiện vai trò hiến kế, đề xuất các giải pháp, biện pháp thực hiện thay vì chỉ nêu lên vấn đề rồi bỏ lừng. Điều này có nghĩa là báo chí thể hiện vai trò tích cực hơn, trách nhiệm hơn đối với các vấn đề của đất nước, của xã hội. Báo chí nên xem các vấn đề đó cần có sự tham gia của mình, đặc biệt là trong việc đề xuất giải pháp để giải quyết các vấn đề nêu ra.

Đặc điểm của báo chí giải pháp thường thể hiện ở những yếu tố chính: cơ quan báo chí, người làm báo đồng hành với chính quyền, doanh nghiệp, người dân... trong việc tìm kiếm các giải pháp khả dĩ nhằm giải quyết các vấn đề đang đặt ra của xã hội; khi phản ánh hay phê phán, báo chí luôn đặt ra trách nhiệm của mình tham gia vào giải quyết hoặc đề xuất giải pháp để giải quyết vấn đề đó; vận động, kêu gọi công chúng báo chí nói riêng và toàn xã hội nói chung tham gia vào về việc đề xuất các giải pháp đối với những vấn đề cụ thể; báo chí trực tiếp thực hiện các giải pháp đối với một số vấn đề phù hợp với năng lực, điều kiện của mình.

Chẳng hạn, đối với vấn đề bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, tưởng chừng đây là nhiệm vụ của các cơ quan lý luận, tuyên truyền của Đảng (như Hội đồng Lý luận Trung ương, Ban tuyên giáo các cấp ủy, các Trường chính trị.) nhưng trên thực tế, gần đây báo chí đã tham gia rất tích cực nhiệm vụ này. Điều này được thể hiện rõ ở Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) trong thời gian qua với nhiều tác phẩm đóng góp phát triển tư duy lý luận về xây dựng Đảng, nhất là nội dung mới xây dựng Đảng về đạo đức và làm rõ tính khoa học, thực tiễn, cách mạng của chủ nghĩa Marx - Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đấu tranh có sức thuyết phục trước những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Đặc biệt, mới đây, báo Quân đội nhân dân phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức cuộc thi báo chí với chủ đề “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới”, nhằm phát huy vai trò của báo chí trong việc bảo vệ Đảng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ an ninh tư tưởng trong giai đoạn hiện nay.

Hay trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo, thời gian qua báo chí cũng đóng vai trò rất tích cực. Báo chí thường xuyên, liên tục thông tin về công tác bảo vệ biển, đảo của quân và dân ta, đồng thời đề xuất các giải pháp về đấu tranh với các thế lực nước ngoài về chủ quyền biển, đảo và trực tiếp tham gia một số hoạt động rất có ý nghĩa như góp đá xây dựng Trường Sa, hỗ trợ ngư dân bám biển, tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân. Một số tờ báo còn tổ chức các cuộc thi hiến kế về nhiệm vụ này, nhằm thu hút nhiều hơn nữa sự quan tâm của người dân đến các vấn đề chủ quyền nói chung và chủ quyền biển, đảo nói riêng, đồng thời ghi nhận các hiến kế của công chúng về những giải pháp bảo vệ chủ quyền của nước ta trên biển Đông.
BCGP 2
Các phóng viên báo chí cần dấn thân để đẩy lùi những tiêu cực trong xã hội
Tại TP. HCM, trong cuộc đấu tranh phòng chống đại dịch Covid-19 từ đầu năm 2020 đến nay, báo chí đã phát huy vai trò rất tích cực và có hiệu quả trong việc nâng cao nhận thức của người dân để thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch, đồng thời, trực tiếp tổ chức các hoạt động có ý nghĩa thiết thực. Chẳng hạn, một số cơ quan báo chí đã tổ chức quyên góp để hỗ trợ người nghèo, người gặp khó khăn cho đại dịch (như chương trình “ATM thực phẩm miễn phí”, “Tết ấm cho người vô gia cư”.), vận động ủng hộ quỹ mua vaccine phòng ngừa Covid-19. Các chương trình này thu hút được sự quan tâm và tham gia đông đảo của người dân, để góp thêm nguồn lực và tạo sự động viên quan trọng để toàn xã hội chiến thắng đại dịch.

Mới đây, báo Tuổi trẻ đã tổ chức cuộc thi hiến kế “TPHCM nâng tầm quốc tế” nhằm thu hút các ý tưởng, giải pháp của bạn đọc trong việc nâng cao vị thế quốc tế của thành phố, với các chủ đề trọng tâm là “Thương hiệu của TPHCM nên là gì” và “Thành phố cần làm gì để xây dựng và quảng bá thương hiệu đó rộng rãi đến bạn bè năm châu”. Còn báo Người lao động tiếp tục mở cuộc thi “Lắng nghe người dân hiến kế” lần 2, tập trung vào 3 chủ đề chính là “Đô thị thông minh”, “Khởi nghiệp - Thương hiệu của TPHCM” và “Bản sắc văn hóa đô thị TPHCM”. Đây đều là những cuộc thi có ý nghĩa gợi mở tích cực cho lãnh đạo thành phố có thể ghi nhận, tiếp thu những ý kiến hay, những giải pháp phù hợp để phát triển thành phố trong thời gian tới.

Có thể nói “báo chí giải pháp” là một xu hướng tích cực và phù hợp với sự vận động của báo chí trong giai đoạn hiện nay. Báo chí ngày càng thể hiện được vai trò đồng hành với Đảng, Nhà nước, các địa phương và nhân dân trong việc giải quyết các vấn đề thiết thực, cần kíp của xã hội, của đất nước. Điều đó hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc báo chí là người tuyên truyền, cổ động và tổ chức các phong trào cách mạng theo tư tưởng của Lenin và các nhà sáng lập báo chí cách mạng của giai cấp vô sản.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây