Tác giả bài viết: Tin, ảnh: H.N
Ngày 15/6, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì tổ chức Hội nghị phổ biến các ưu tiên tuyên truyền về Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) và sự tham gia của Việt Nam trong UNESCO.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Triệu Minh Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh: Trong nhiều năm qua, Việt Nam luôn là một trong những quốc gia tham gia rất tích cực, chủ động và hiệu quả trong các cơ chế hợp tác của UNESCO. Hội nghị lần này nhằm cung cấp, cập nhật cho các cơ quan báo chí về kế hoạch tham gia trong UNESCO của Việt Nam, các ưu tiên, kết quả hoạt động UNESCO cũng như tăng cường quảng bá các công viên địa chất toàn cầu, các di sản tư liệu thế giới của Việt Nam.
Tại Hội nghị, các phóng viên, biên tập viên đã nghe đại diện Ban thư ký và các Tiểu ban của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam giới thiệu về kế hoạch hoạt động và định hướng tuyên truyền về UNESCO trong năm 2023; đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình bày về Chương trình Ký ức thế giới - Bảo tồn và phát huy 7 Di sản tư liệu thế giới và khu vực của Việt Nam; đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường trình bày nội dung bảo tồn, phát huy giá trị tại các khu công viên địa chất toàn cầu nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững.
Quang cảnh Hội nghị. |
Việt Nam gia nhập UNESCO từ năm 1976, ngay sau khi thống nhất đất nước. Trong gần nửa thế kỷ qua, Việt Nam luôn tham gia tích cực, có trách nhiệm và thực hiện các cam kết quốc tế của mình để đóng góp thực chất, hiệu quả vào công việc chung của UNESCO. Hợp tác giữa Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và UNESCO có nhiều khởi sắc khi Ủy ban đã phối hợp với các địa phương, các đơn vị liên quan xây dựng và vận động thành công UNESCO ghi danh một số hồ sơ. Trong đó, có 57 danh hiệu UNESCO, gồm 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 15 di sản văn hóa phi vật thể, 9 di sản tư liệu cấp khu vực và thế giới, 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới, 3 công viên địa chất toàn cầu, 1 thành phố sáng tạo, 1 thành phố hòa bình, 6 danh nhân quốc tế, 3 thành phố học tập toàn cầu, 23 trường ASPnet. Đồng thời, Uỷ ban đã, đang phối hợp triển khai hiệu quả Bản ghi nhớ Việt Nam - UNESCO giai đoạn 2021 - 2025; là thành viên tích cực, có trách nhiệm của Hội đồng Chấp hành UNESCO và Ủy ban Liên Chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể…
Trong thời gian tới, ở lĩnh vực văn hóa, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam sẽ tăng cường xây dựng khung thể chế quốc gia đẩy mạnh cam kết của khu vực công và tư; hoàn thiện khung thể chế quốc gia về di sản tư liệu của Việt Nam. Bên cạnh đó, Ủy ban sẽ tiến tới tham gia các khuôn khổ pháp lý tiêu chuẩn của UNESCO. Về thông tin truyền thông, Ủy ban tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong khuôn khổ các chương trình quốc tế; nâng cao kiến thức về thông tin, truyền thông và kỹ năng số, khả năng phân biệt tin giả, thông tin xấu độc. Ủy ban cũng sẽ khai thác các chương trình sử dụng công nghệ thông tin trong bảo tồn và phát huy giá trị các danh hiệu của UNESCO.
Nguồn tin: dangcongsan.vn