Tác giả bài viết: Hoàng Hằng
Dự hội thảo có đại diện các Sở ban ngành, lãnh đạo huyện, xã….và bà con nhân dân thôn Bình Quang, xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh.
Ngày nay, khi đời sống người dân được nâng cao thì nhu cầu sử dụng các sản phẩm nông nghiệp đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm càng được chú trọng hơn. Vì thế, việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, nhiều chất dinh dưỡng, có lợi cho sức khỏe, hạn chế dịch bệnh là hết sức cần thiết. Bên cạnh đó, bà con nông dân còn canh tác theo thói quen, tập quán, lạm dụng quá nhiều phân bón hoá học, thuốc bảo vệ thực vật làm ảnh hưởng rất lớn đến môi trường đất, nước, không khí, chất lượng nông sản và sức khoẻ con người nên chưa thu hút được doanh nghiệp đầu tư sản xuất để tạo thành vùng hàng hoá có giá trị cao.
Trước thực trạng đó, tỉnh Hà Tĩnh đã có những bước đi trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Với những tiềm năng, lợi thế riêng về khí hậu, đất đai, thổ nhưỡng Hà Tĩnh lựa chọn mục tiêu là địa phương tiên phong về sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên quy mô lớn gắn với sản phẩm chủ lực là Gạo hữu cơ chất lượng cao.
Vụ Xuân năm 2023, Trung tâm Khuyến nông thực hiện mô hình “ Sản xuất lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ” với quy mô 5ha tại thôn Bình Quang, xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên, bước đầu đã có thay đổi về nhận thức, hành động, được các cấp các ngành và bà con nông dân đánh giá cao; được Trung tâm kiểm nghiệm và Chứng nhận TQC CGLOBAL cấp giấy chứng nhận chuyển đổi năm thứ nhất. Nhằm xây dựng mô hình trên đạt tiêu chuẩn hữu cơ Trung tâm Khuyến nông tiếp tục triển khai mô hình trong vụ Hè Thu năm 2023. Với mục tiêu xây dựng mô hình sản xuất lúa sử dụng phân bón cân đối, hợp lý theo tiêu chuẩn hữu cơ đảm bảo bón đúng, bón đủ và phù hợp về các tỷ lệ giúp tăng năng suất cây trồng, nâng cao hiệu quả sản xuất, duy trì tính bền vững và ổn định, tạo độ phì nhiêu của đất, cải tạo môi trường. Đồng thời thay đổi nhận thức về phương thức canh tác lúa từ sản xuất hoá học sang sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ. Hình thành thói quen trong việc phát triển sản xuất lúa hàng hoá đảm bảo an toàn cho người sản xuất, người tiêu dùng và an toàn sinh thái…
Xuất phát từ tình hình thực tế trên, vụ Hè Thu năm 2023, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh tiếp tục triển khai thực hiện mô hình “Sản xuất lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ năm 2023” tại thôn Bình Quang, xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên với nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Với thời gian sinh trưởng 95 -100 ngày, giống Khang dân 18 là giống lúa thuần Trung Quốc, được Công ty cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed chọn lọc và làm thuần (giống hộ dân tự sản xuất để giống). Và sử dụng phân bón hữu cơ khoáng Sông Gianh HCK 555 của Tổng Công ty phân bón Sông Gianh, áp dụng quy trình sản xuất và chăm bón nghiêm ngặt, đúng lịch thời vụ đã mang lại cho người dân nơi đây một vụ mùa bội thu.
Năng suất của các giống lúa sản xuất sử dụng phân hữu cơ đạt 53,6 tạ/ha, canh tác lúa thông thường sử dụng phân vô cơ đạt 52,5 tạ/ha. Bông lúa sai đạt 167 hạt/bông lúa, số hạt chắc bông 159 hạt cao hơn hẳn so với mô hình lúa đối chứng là 163 tổng số hạt/bông và số hạt chắc bông là 157 hạt.
Chi phí đầu tư về phân bón và thuốc BVTV của canh tác hữu cơ cao hơn canh tác thông thường của bà con nông dân không đáng kể, khoảng 926.000đ/ha ; các chi phí khác (công làm đất, gieo trỉa, chăm sóc, thu hoạch) của canh tác hữu cơ cao hơn so với canh tác thông thường không nhiều . Nhưng khi đánh giá về hiệu quả kinh tế của 2 phương thức canh tác nhận thấy canh tác theo hữu cơ sẽ cho thu nhập cao hơn so với canh tác thông thường khoảng 739.000 đồng/ha.
Như vậy, trong vụ Hè Thu sản xuất lúa đạt tiêu chuẩn hữu cơ năng suất đạt tương đối bằng sản xuất vô cơ. Nhưng giá trị đem lại chính là sản phẩm an toàn không hoá chất, hệ sinh thái phát triển, ô nhiễm nguồn nước được cải thiện.
Vụ sản xuất lúa Hè Thu đạt tiêu chuẩn hữu cơ tiếp tục cho thấy lúa sản xuất theo quy trình sản xuất hữu cơ cho giá trị rất cao, các chỉ số phân tích mẫu đất, nước được Trung tâm Khuyến nông phối hợp Công ty Cổ phần tư vấn chứng nhận Quốc tế ICERT CENTRAL đánh giá không có chỉ tiêu nào vượt ngưỡng cho phép.
Trong niềm vui của một vụ mùa bội thu ông Nguyễn Nuyễn Xuân Hiền trú tại thôn Bình Quang, xã Cẩm Bình cho biết: Gia đình tôi làm 1 mẫu lúa hữu cơ, đây là vụ thứ 2 gia đình tôi trồng theo phương pháp hữu cơ, mặc dù có vất vả hơn vì phải bón lượng phân nhiều hơn, phải làm cỏ kỹ hơn và chăm bón kỳ công hơn, nhưng tôi rất phấn khởi vì mình đã làm ra được sản phẩm sạch, an toàn. Phải khẳng định rằng sử dụng phân bón hữu cơ khoáng Sông Gianh HCK-555 cây lúa phát triển rất tốt, cho năng suất cao, gia đình tôi từ khi dùng loại phân này tình trạng sâu bệnh phá hoại không còn; vì vậy chúng tôi không phải tiếp xúc với thuốc bảo vệ thực vật nên cảm thấy rất yên tâm.
Thời gian tới, nếu như giá lúa xuất bán cao, có đầu ra ổn định thì dù không được hỗ trợ về giá phân nữa gia đình tôi vẫn lựa chọn phân bón hữu cơ Sông Gianh để sản xuất và canh tác lúa. Vì hơn ai hết chúng tôi muốn bảo vệ sức khoẻ cho gia đình mình, cho người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Minh Duyệt, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Bình chia sẻ: Xã Cẩm Bình đang triển khai sản xuất lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ trên diện tích 13ha, đến thời điểm hiện nay cơ bản bà con nhân dân đã làm quen được với phương thức sản xuất hữu cơ. Thời gian tới UB xã sẽ có kế hoạch để mở rộng diện tích đến năm 2025 dự kiến mở rộng diện tích 30ha rồi nhân rộng ra trên các địa bàn thôn khác.
Cũng theo ông Duyệt, đến nay xã đã liên kết với Công ty Hoà Lạc, vụ Xuân năm 2024 Công ty sẽ thu mua và tiêu thụ toàn bộ sản phẩm sản xuất theo hướng hữu cơ cho bà con nông dân.
Ông Nguyễn Quang Thọ Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Qua hai vụ sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, bước đầu đánh giá cao nỗ lực của bà con nông dân và đơn vị liên kết thu mua. Phải khẳng định rằng sản xuất nông nghiệp hữu cơ là một hướng đi đúng để đảm bảo sản xuất ổn định, bền vững. Vì đây là quy trình sản xuất mới nên chúng ta không đặt mục tiêu năng suất phải cao nhưng cần đặt mục tiêu giá trị sản xuất phải cao hơn so với sản xuất vô cơ. Với quan điểm giá trị là chất lượng chứ không phải là số lượng nên chúng ta phải kiên trì, khó khăn chỗ nào thì khắc phục chỗ đó. Bà con nông dân phải cố gắng hơn nữa vì phải qua nhiều vụ sản xuất thì sản phẩm của chúng ta mới hoàn thiện và được công nhận là sản phẩm hữu cơ.
Cùng trao đổi về vấn đề này ông Nguyễn Văn Trí, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Tĩnh khẳng định: Mô hình sản xuất lúa hữu cơ an toàn, thân thiện với môi trường được người dân sử dụng phân bón hữu cơ khoáng HCK 555 Sông Gianh thay vì vô cơ như trước. Việc phát triển nông nghiệp hữu cơ Hà Tĩnh đang lựa chọn là hướng đi đúng. Trong những năm tới, tỉnh Hà Tĩnh vẫn phải lấy nông nghiệp làm trọng tâm. Điều này thêm một lần nữa khẳng định, sản xuất nông nghiệp hữu cơ là hướng đi tất yếu, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp Hà Tĩnh, góp phần bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng, phát triển nền nông nghiệp theo hướng bền vững.
Nguồn tin: vietnamhoinhap.vn: