trongdong
text logo

TĂNG CƯỜNG VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ TRONG HOẠT ĐỘNG HỢP TÁC QUỐC TẾ

Tác giả bài viết: Hoàng Quyên

Thứ tư - 07/12/2022 05:03
Thực tiễn 24 năm qua từ khi thành lập đến nay, trên cơ sở các quy định của pháp luật và chủ chương, chính sách về hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế của Nhà nước, Cảnh sát biển Việt Nam đã xây dựng được nhiều quan hệ song phương, đa phương với lực lượng thực thi pháp luật của nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới; các mối quan hệ hợp tác với các nước luôn được củng cố và ngày càng mở rộng, khẳng định được vị trí, vai trò của Cảnh sát biển Việt Nam trong các hoạt động đối ngoại quốc phòng nói riêng, đối ngoại của Nhà nước nói chung.
TĂNG CƯỜNG VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ TRONG HOẠT ĐỘNG HỢP TÁC QUỐC TẾ
 Quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước và thực hiện vai trò, chức năng nhiệm vụ quy định tại Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018 cùng với sự hợp tác quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới. Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đã tích cực tăng cường triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế trên biển với những quốc gia có chung đường biên giới trên biển trong hoạt động đấu tranh phòng, chống vi phạm, tội phạm trên biển, đảm bảo an ninh hàng hải biển, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ trên biển, đồng thời mở rộng quan hệ hợp tác, học hỏi kinh nghiệm với các quốc gia khác trên thế giới trong việc tổ chức, xây dựng và phát triển lực lượng thực thi pháp luật trên biển.
Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện nhiệm vụ trên biển
Trước yêu cầu của nhiệm vụ quản lý, duy trì an ninh, trật tự, an toàn và bảo đảm việc chấp hành pháp luật trên các vùng biển, thềm lục địa của Tổ quốc, Cảnh sát biển Việt Nam đã chú trọng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế, xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên.
Trên cơ sở quy định của điều 19 Luật Cảnh sát biển Việt Nam, hoạt động hợp tác quốc tế của lực lượng Cảnh sát biển được thực hiện trên nguyên tắc: "Thực hiện hợp tác quốc tế trên cơ sở tuân thủ pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và thỏa thuận quốc tế theo thẩm quyền; tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế; bảo đảm độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên biển. Phát huy sức mạnh nội lực và sự ủng hộ, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, bảo đảm thực thi pháp luật trên biển".
Qua thực tiễn cho thấy, sự chủ động, tích cực phát triển, mở rộng quan hệ của Cảnh sát biển Việt Nam với lực lượng thực thi pháp luật trên biển của các nước trên tinh thần hợp tác, phát triển, hội nhập đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, thiết thực, hiệu quả, góp phần giữ vững an ninh, trật tự, an toàn, hòa bình, ổn định trên vùng biển Việt Nam. Hoạt động hợp tác với các nước trong khu vực và trên thế giới ngày càng được thúc đẩy và mở rộng đa dạng cả về hình thức theo đúng quy định tại điều 21 Luật Cảnh sát biển Việt Nam. Điều 21 Hình thức hợp tác quốc tế quy định cụ thể các hình thức hợp tác quốc tế của cảnh sát biển Việt Nam bao gồm: Trao đổi thông tin về an ninh, trật tự, an toàn trên biển; Tổ chức hoặc tham dự hội nghị, hội thảo quốc tế về an ninh, trật tự, an toàn và thực thi pháp luật trên biển; Tham gia ký kết thỏa thuận quốc tế với lực lượng chức năng của quốc gia khác, tổ chức quốc tế theo quy định của pháp luật; Phối hợp tuần tra, kiểm tra, kiểm soát giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn và bảo đảm chấp hành pháp luật trên biển; Tham gia diễn tập, huấn luyện; tổ chức đón, thăm xã giao lực lượng thực thi pháp luật trên biển của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới; Thực hiện các hoạt động của cơ quan thường trực, cơ quan đu mối liên lạc của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và thỏa thuận quốc tế Các hình thức hợp tác quốc tế khác theo quy định của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và thỏa thuận quốc tế. 
Thực hiện hóa các quy định tại điều 19 và điều 21 Luật Cảnh sát biển Việt Nam 2012, trong các hoạt động hợp tác với các nước có chung đường biên giới trên biển giáp ranh với nước ta, Cảnh sát biển Việt Nam đã ký kết thành công Bản Ghi nhớ hợp tác giữa Cảnh sát biển Việt Nam và Cảnh sát biển Trung Quốc năm 2016, góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác, chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc tiếp tục đi vào chiều sâu. Từ chỗ chúng ta chỉ thực hiện tuần tra liên hợp Vịnh Bắc bộ mỗi năm một lần, nay hoạt động này tăng lên 02 lần/năm.
Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam và Trung Quốc luyện tập phương án chữa cháy tàu bị nạn trên biển.
Đầu tháng 11/2022 vừa qua, Cảnh sát biển Việt Nam đã phối hợp thực hiện tuần tra liên hợp giữa Cảnh sát biển Việt Nam và Cảnh sát biển Trung Quốc lần thứ hai năm 2022. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, lực lượng Cảnh sát biển hai nước đã tiến hành các nội dung như: điện đàm trao đổi; tiến hành kiểm tra, giám sát tàu thuyền của ngư dân hai nước khai thác thủy hải sản trong vùng biển lân cận đường phân định; luyện tập chung phương án tìm kiếm cứu nạn trên biển; tuyên truyền, giáo dục ngư dân hai nước chấp hành pháp luật khi hoạt động trên biển. Hai bên đã phối hợp chặt chẽ, thực hiện tốt các nội dung, kế hoạch được thông qua. Quan hệ đối tác giữa Cảnh sát biển hai bên tiếp tục mở rộng, đi sâu các hoạt động hợp tác thiết thực khác trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Đại tá Lương Cao Khải, Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Vùng Cảnh sát biển 1 (Cảnh sát biển Việt Nam)
 
   
 

điện đàm với phía Cảnh sát biển Trung Quốc trong chuyến tuần tra liên hợp vào đầu tháng 11/2022 vừa qua.
Với các nước trong khu vực Đông Nam Á (ASEAN ), Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã có những chỉ đạo thúc đẩy ký kết Bản Ghi nhớ hợp tác với những nước có liên quan, đặc biệt là các nước có chung đường biên giới, ranh giới trên biển. Thời gian vừa qua, Cảnh sát biển Việt Nam đã ký được Nghị định thư về Cơ chế liên lạc đường dây nóng với Ủy ban Quốc gia An ninh Hàng hải Campuchia, Ý định thư với Cảnh sát biển Indonesia (BAKAMLA) năm 2017, Ý định thư với Malaysia năm 2019. Từ các văn bản này, đã có nhiều hoạt động hợp tác đi vào thực chất, hiệu quả với các nước, trong đó có các hoạt động góp phần đấu tranh ngăn chặn tình trạng khai thác hải sản trái phép, không báo cáo và không theo quy định (IUU) của Việt Nam trong thời gian qua.
Đoàn công tác Cảnh sát biển Việt Nam và Ủy ban Quốc gia An ninh Hàng hải Campuchia  trong cuộc họp rút kinh nghiệm lần thứ 3 về thực hiện Nghị định thư về cơ chế liên lạc đường dây nóng giữa hai lực lượng vào tháng 10/2022

Đại tá Vũ Trung Kiên tặng quà lưu niệm Phó Đô đốc Tea Sokha trong buổi họp rút kinh nghiệm lần  thứ 3 về thực hiện cơ chế liên lạc đường dây nóng giữa Việt Nam và Campuchia
Cảnh sát biển Việt Nam cũng đã ký Bản ghi nhớ hợp tác với Lực lượng Bảo vệ bờ biển Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nhật Bản. Đây là những lực lượng có năng lực thực tế và bề dày kinh nghiệm thực thi pháp luật trên biển. Trong các văn bản hợp tác đã ký, các bên đều coi trọng nhiệm vụ chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, phối hợp phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, tìm kiếm cứu nạn. Các nội dung hợp tác này là điều kiện cần thiết trong việc xây dựng vùng biển hòa bình, hữu nghị và phát triển.
Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) làm việc với Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam về việc tổ chức khóa tập huấn cho Cảnh sát biển Việt Nam tháng 8/2022
Gần đây,trong khuôn khổ Chương trình hợp tác kỹ thuật phi dự án “Đào tạo tăng cường năng lực cho Cảnh sát biển Việt Nam”, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã phối hợp với Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG) tổ chức khóa tập huấn cho Cảnh sát biển Việt Nam tại Phú Quốc vào tháng 8/2022 vừa qua nhằm nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển cho Cảnh sát biển Việt Nam và tăng cường giao lưu, hợp tác, hiểu biết giữa hai nước Nhật Bản và Việt Nam nói chung cũng như Cảnh sát biển Việt Nam và Cảnh sát biển Nhật Bản nói riêng. Các hoạt động thiết thực này cũng đã góp phần làm phong phú hơn kiến thức và kinh nghiệm thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam.
Trong quan hệ hợp tác đa phương, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam đã tham gia tích cực, có trách nhiệm trong các cơ chế, diễn đàn đa phương. Nổi bật là Hiệp định Hợp tác khu vực chống cướp biển và cướp có vũ trang (ReCAAP). Đây là cơ chế đa phương mà Cảnh sát biển Việt Nam tham gia đầy đủ nhất, thay mặt Chính phủ Việt Nam tham gia Hội đồng Điều hành, là đầu mối quốc gia về chia sẻ thông tin, cùng nhiều cơ chế diễn đàn như: (1) Hội nghị Những người đứng đầu Cảnh sát biển các nước châu Á (HACGAM); (2) Diễn đàn Tư lệnh Lực lượng thực thi pháp luật trên biển các quốc gia Đông Nam Á (SEAMLEI); (3) Các hoạt động trong khuôn khổ do Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) tổ chức; (4) Hội nghị Cảnh sát biển toàn cầu (CGGS).
Đứng trước những yêu cầu, nhiệm vụ và tình hình mới, Cảnh sát biển Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh công tác đối ngoại, thúc đẩy quan hệ hợp tác với lực lượng bảo vệ bờ biển, Cảnh sát biển các nước, ưu tiên các nước trong khu vực, các nước có vùng biển giáp với nước ta và các đối tác truyền thống. Đặc biệt, thông qua các hoạt động đối ngoại, Cảnh sát biển Việt Nam mang thông điệp hợp tác, phát triển và hội nhập đến với lực lượng thực thi pháp luật trên biển của các nước. Nỗ lực củng cố và nâng tầm hoạt động công tác đối ngoại Cảnh sát biển Việt Nam ngày càng phát triển, góp phần giữ vững sự ổn định trên hướng biển, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; bảo vệ không gian sinh tồn của dân tộc; thiết thực xây dựng Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam chính quy, tinh nhuệ, hiện đại./.


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây