trongdong
text logo

Quảng Nam kiên trì phát triển du lịch xanh gắn với văn hoá bản địa

Tác giả bài viết: Ánh Dương (t/h)

Thứ ba - 30/05/2023 00:40

Quảng Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch. Thời gian gần đây, Quảng Nam là điểm đến ưa thích của đông đảo du khách trong và ngoài nước. Tỉnh Quảng Nam đang tập trung từng bước hình thành các sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch xanh gắn với các giá trị tự nhiên và văn hoá bản địa để thu hút du khách. Phấn đấu đến năm 2025 sẽ đón 600.000 lượt khách du lịch mỗi năm, tạo việc làm trực tiếp cho 4.500 lao động.

Cách TP. Đà Nẵng gần 100km và chỉ mất hơn 2 giờ đi đường, huyện miền núi Nam Giang, tỉnh Quảng Nam hiện đã trở thành điểm đến thu hút du khách bởi các sản phẩm du lịch cộng đồng đặc sắc.

Nơi đây, có nhiều không gian cộng đồng độc đáo cùng các điểm tham quan hấp dẫn được du khách gần xa biết đến như: Khu dân cư Za Ra, Aliêng, xã Tà Bhing; thôn văn hóa Đồng Râm, thị trấn Thạnh Mỹ… Các điểm đến này đã hình thành Câu lạc bộ trống chiêng của người Cơ Tu; câu lạc bộ đàn tính - hát then của người Tày để phục vụ du khách. Du khách có thể cùng người dân địa phương trải nghiệm đời sống sinh hoạt, sản xuất và thưởng thức các món ẩm thực truyền thống độc đáo như: zará, cơm lam, bánh sừng trâu, thịt ba chỉ áp chảo… được chế biến từ nguyên liệu mang hương vị núi rừng.

0
Ảnh minh họa.

 

Chị Ánh cho biết: "Khi đến Khu du lịch Cổng trời ở huyện Đông Giang, đỉnh Quế huyện Tây Giang và thôn văn hóa Đồng Râm, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang, điều tôi rất ấn tượng là người ta giữ gìn được những cánh rừng, giao cho người dân tự bảo quản. Bên cạnh đó, tôi cũng rất ấn tượng với lễ hội của người dân tại đây, điệu nhảy Tâng tung da dá rất cuốn hút du khách, tôi đã tham gia nhiều lần và chúng tôi đã hòa mình với họ trong điệu nhảy đó".

Theo ông Arất Blúi, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, trồng rừng gỗ lớn, trồng dược liệu dưới tán rừng và phát triển du lịch được xác định là 3 mũi nhọn trong định hướng phát triển kinh tế ở khu vực miền núi. Tuy nhiên, phát triển du lịch ở khu vực miền núi cần được quan tâm đầu tư đứng mức và đúng hướng để phát huy hết tiềm năng vốn có.

11
“Cổng trời Đông Giang” thuộc địa bàn 2 xã Mà Cooih và Kà Dăng (huyện Đông Giang). (Ảnh: Báo Lao động)

Theo thống kê, hiện tỉnh Quảng Nam có gần 40 điểm du lịch sinh thái, du lịch làng nghề truyền thống cộng đồng ở khu vực nông thôn và miền núi. Tại huyện miền núi Đông Giang, Khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang vừa đưa vào hoạt động, mở cửa đón khách vào năm 2022. Đây được xem là dự án du lịch sinh thái có quy mô lớn nhất, mở ra nhiều kỳ vọng để các nhà đầu tư tiếp tục tìm đến khu vực miền núi tỉnh Quảng Nam. Có hơn 80% lao động làm việc tại khu du lịch này là người dân Cơ Tu tại địa phương.

12
Với mục tiêu là điểm du lịch xanh, gần gũi với thiên nhiên, khu du lịch Cổng Trời Đông Giang đã triển khai thêm một số hoạt động mới dựa trên hệ thống thác suối hiện có (Ảnh: Báo Đầu tư)

 

Quảng Nam còn có núi rừng Trường Sơn đại ngàn, nơi lưu giữ nhiều văn hóa truyền thống quý báu của cộng đồng các dân tộc thiểu số; có sâm Ngọc Linh là quốc bảo của Việt Nam và gần 500 di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh nổi tiếng khác cùng với các giá trị văn hóa bản địa, làng quê, làng nghề độc đáo… Hội An hấp dẫn du khách không chỉ bởi cảnh quan thiên nhiên, di sản văn hóa, mà còn ở nét ẩm thực dân dã, bình dị nhưng tinh tế với nhiều món ăn nổi tiếng, trong đó, mì Quảng, cao lầu đạt giá trị ẩm thực châu Á cùng với hệ thống lễ hội đa dạng và phong phú.

Dịch vụ du lịch ở Quảng Nam cũng rất đa dạng, đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng từ cao cấp đến bình dân. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện nay, địa phương có gần 900 cơ sở lưu trú với 17.000 phòng. Quảng Nam cũng cung cấp các dịch vụ vui chơi giải trí mới, đa dạng và khác biệt như VinWonders Nam Hội An được đánh giá là thiên đường vui chơi, giải trí đẳng cấp quốc tế; đảo ký ức Hội An với show diễn thực cảnh ký ức Hội An được Hãng thông tấn Reuters ca ngợi là show diễn thực cảnh đẹp nhất thế giới; khu nghỉ dưỡng phức hợp Hoiana với không gian giải trí, casino, mua sắm sôi động, hiện đại.

Trong gần một thập niên qua, du lịch Quảng Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ. Trước dịch Covid-19, Quảng Nam đón được 7,8 triệu lượt khách, thu nhập xã hội từ du lịch đạt hơn 14.500 tỷ đồng; tỷ lệ đóng góp của ngành du lịch vào GRDP của tỉnh ước đạt từ 10-12%. Du lịch Quảng Nam, trong đó có thương hiệu du lịch Hội An đã khẳng định vị thế trong nước và quốc tế với nhiều giải thưởng giá trị toàn cầu như danh hiệu “Điểm đến đô thị văn hóa hàng đầu châu Á” năm 2019, 2021, 2022; 15 thành phố tuyệt vời nhất châu Á trong giải thưởng The World’s Best Awards năm 2021 và 2022...

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, phát triển du lịch miền núi không tách rời việc bảo vệ và phát triển hệ sinh thái rừng và bảo tồn văn hóa bản địa. Ngoài ra, tỉnh tiếp tục tập trung thu hút các nhà đầu tư lớn đến với khu vực miền núi.

Trong nỗ lực mở rộng không gian du lịch, ngoài hạt nhân là 2 Di sản Văn hoá thế giới Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn, tỉnh Quảng Nam đang tập trung các giải pháp đánh thức tiềm năng phát triển du lịch tại khu vực miền núi phía Tây. Tỉnh đang triển khai Đề án “Hỗ trợ phát triển du lịch miền núi tỉnh Quảng Nam đến năm 2025”, phấn đấu đến năm 2025, các huyện miền núi đón 600.000 lượt khách du lịch mỗi năm, tạo việc làm trực tiếp cho 4.500 lao động.

 

Nguồn tin: doanhnghiepvakinhtexanh.vn:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây