Tác giả bài viết: Vy Anh
Tán thành cao với sự cần thiết xây dựng luật Nhà ở (sửa đổi), các đại biểu cho rằng cần mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội đối với công nhân các cụm doanh nghiệp.
Thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 5, sáng 5/6, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về dự án luật Nhà ở (sửa đổi).
Theo đại biểu Trần Đình Gia (Đoàn Hà Tĩnh), phát triển nhà ở xã hội là chủ trương nhân văn, đúng đắn của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên vấn đề đặt ra cần quy định rõ các điều kiện, đối tượng thụ hưởng, kiểm soát việc xây dựng nhà ở xã hội phải gắn với hạ tầng thiết yếu khác trên địa bàn như: trường học, cơ sở y tế, các dịch vụ xã hội, các thiết chế văn hóa để phục vụ đời sống công nhân, người lao động; tránh tình trạng chủ đầu tư chỉ “chăm chăm” xây nhà mà không quan tâm đến các yếu tố xã hội.
Đại biểu cũng phản ánh và bày tỏ băn khoăn trước thực trạng khi đến một số khu nhà ở xã hội mà ô tô “đầy sân”, trên cơ sở đó đề nghị cần xem xét kỹ lưỡng khi lựa chọn các đối tượng được thụ hưởng chính sách này.
Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án luật Nhà ở (sửa đổi). Ảnh: TH. |
Đại biểu Nguyễn Thị Như Ý (Đoàn Đồng Nai) nêu thực tế ở Đồng Nai nhu cầu nhà ở xã hội lớn, song khối lượng xây dựng còn thấp. Hiện tại nhu cầu là 400 ngàn căn nhà, nhưng mới thực hiện được 6% (khoảng 24 ngàn chỗ ở).
Theo đại biểu Như Ý, việc giao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên Công đoàn là hoàn toàn phù hợp với chức năng, nhiệm vụ “chăm lo, bảo vệ quyền lợi ích chính đáng của người lao động” theo quy định tại Điều 10 Hiến pháp 2013 và Điều 1 Luật Công đoàn 2012.
Về đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội, dự thảo Luật quy định là “công nhân, người lao động, chuyên gia làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp”, theo đại biểu quy định này đã hạn chế so với Luật hiện hành là “người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp”, như vậy không đảm bảo sự công bằng về thụ hưởng chính sách an sinh xã hội trong công nhân lao động nói chung. Bởi nhu cầu nhà ở của công nhân là như nhau, không phân biệt người lao động làm việc tại doanh nghiệp trong hay ngoài khu công nghiệp. Do vậy, đại biểu đề nghị giữ nguyên đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội như quy định của Luật hiện hành.
Liên quan đến điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, Điều 75 dự thảo Luật quy định công nhân, người lao động không thuộc diện “không phải nộp thuế thu nhập đối với các khoản thu nhập từ tiền công, tiền lương theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân”. Theo đại biểu quy định này chưa khả thi, chưa phù hợp với thực tế. Thực tiễn ở các thành phố lớn, ngay cả công nhân lao động có thu nhập trên mức chịu thuế (11 triệu) cũng chưa được xem là có mức sống dư dả…
Đại biểu Bùi Sỹ Hoàn (Đoàn Hải Dương) phát biểu ý kiến tại Phiên thảo luận. Ảnh: TH. |
Đại biểu Bùi Sỹ Hoàn (Đoàn Hải Dương) cũng cho rằng, hiện nay, các cụm doanh nghiệp đang xuất hiện nhiều, phát triển nhanh, thu hút nhiều lao động, để đảm bảo đủ điều kiện cần thiết đáp ứng nhu cầu về nhà ở xã hội, do đó cần bổ sung thêm đối tượng công nhân, người lao động, chuyên gia đang làm việc tại các doanh nghiệp tại các cụm công nghiệp được thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội.
Về hình thức thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội dự thảo Luật quy định đối tượng là hộ gia đình nghèo, cận nghèo cư trú tại khu vực thành thị không được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở.
Theo đại biểu Nguyễn Quốc Luận (Đoàn Yên Bái), thực tế hiện nay, tại các đô thị miền núi không có sự khác biệt quá lớn về hộ nghèo, hộ cận nghèo nông thôn và hộ nghèo, hộ cận nghèo khu vực đô thị miền núi. Nếu quy định như trên sẽ rất thiệt thòi cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo của đô thị vùng miền núi. Đại biểu cho rằng, cần quy định theo hướng mở hơn để các hộ trên đều được hưởng chính sách về hỗ trợ nhà ở xã hội.
Đại biểu Nguyễn Quốc Luận cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc việc chỉ được xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp. Đại biểu phân tích, đối với những khu công nghiệp đã hình thành, không còn quỹ đất để xây dựng nhà lưu trú, nếu quy định cứng như trong dự thảo sẽ gây khó trên thực tế. Trên cơ sở, kiến nghị có thể quy định bố trí, xây nhà lưu trú cho công nhân trong bán kính nhất định xung quanh khu công nghiệp để có độ mở cao hơn, và hiệu quả hơn khi triển khai trong thực tế…/.
Nguồn tin: dangcongsan.vn: