Tác giả bài viết: Bùi Ngân
Hội thảo "Cơ sở lý luận và thực tiễn trong việc nghiên cứu, xây dựng chính sách phát triển nhân lực khoa học công nghệ trẻ trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ" là một trong những nội dung quan trọng trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước "Chính sách và giải pháp phát triển nhân lực khoa học công nghệ trẻ trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam giai đoạn 2021-2030", mã số ĐTĐLXH.07/22 do Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển là đơn vị chủ trì, TS. Đặng Vũ Cảnh Linh làm chủ nhiệm đề tài.
Tham dự và đồng chủ trì tại Hội thảo có PGS.TS. Lê Văn Đính - Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III và TS Đặng Vũ Cảnh Linh - Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Trung ương Đoàn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thanh niên, Chủ nhiệm Đề tài ĐTĐLXH.07/22.
Với mục tiêu trao đổi, làm rõ các vấn đề lý luận và thực tiễn trong nghiên cứu, xây dựng chính sách phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ trẻ trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ, Hội thảo vinh dự nhận được sự quan tâm, tham dự của 50 nhà khoa học, nhà quản lý, cùng đại diện một số cơ sở đào tạo Đại học, Viện nghiên cứu và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Phát biểu chào mừng và khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Lê Văn Đính, Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III bày tỏ sự vui mừng được đón tiếp Ban Chủ nhiệm Đề tài ĐTĐLXH.07/22, đại diện Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển, các nhà khoa học và đại diện các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Đồng thời, PGS,TS Lê Văn Đính mong rằng, Hội thảo sẽ nhận được nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận, đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của các nhà khoa học, các đại diện doanh nghiệp để góp phần giúp Ban Chủ nhiệm và nhóm thực hiện Đề tài giải quyết được nhiều nội dung cốt lõi đặt ra trong quá trình triển khai nghiên cứu.
PGS.TS. Lê Văn Đính Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III phát biểu chào mừng và khai mạc Hội thảo
Trong khuôn khổ hội thảo, nhiều bài tham luận chất lượng đã được trình bày như: Một số khái niệm cơ bản về nhân lực khoa học công nghệ trong doanh nghiệp vừa và nhỏ; Phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ - lý luận và một số vấn đề đặt ra; Một số đóng góp của trí thức khoa học và công nghệ trẻ việt nam trong giai đoạn hiện nay; Một số thuận lợi, khó khăn của việc phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ trong các doanh nghiệp ở thành phố Đà Nẵng hiện nay; Thực trạng sử dụng nhân lực khoa học công nghệ trẻ trong doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực giáo dục đào tạo; Một số giải pháp phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ trong các doanh nghiệp vùng Duyên hải miền Trung, Chính sách và giải pháp phát triển nhân lực khoa học công nghệ trẻ tại Trung tâm Nghiên cứu, Hỗ trợ tâm lý và Phát triển cộng đồng Cadeaux giai đoạn 2021 – 2030…
Các đại biểu trình bày tham luận tại Hội thảo
Cùng với đó, Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến trao đổi, chia sẻ thiết thực đến từ các chuyên gia, nhà nghiên cứu, đại diện cơ sở đào tạo Đại học và đại diện doanh nghiệp:
Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Hằng Phương, Trường Đại học sư phạm – Đại học Đà Nẵng, nhân lực khoa học trẻ có trình độ cao là người trả lời được 04 câu hỏi: Họ yêu thích điều gì? Họ có thế mạnh nào? Xã hội có đang cần công việc của họ không? Và Công việc của họ có kiếm ra tiền để nuôi sống bản thân không? Khi trả lời được những câu hỏi đó, nhân lực trẻ sẽ phát huy được tối đa khả năng của mình trong các môi trường làm việc.
Còn theo TS. Đỗ Văn Nhân, giảng viên Học viện Chính trị khu vực III, trên thực tế nhiều địa phương trong cả nước đã xây dựng và triển khai các Đề án, kế hoạch đầu tư, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, tuy nhiên kết quả đều không thực sự thành công. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do công tác đào tạo và sử dụng nhân lực còn thiếu sự đồng thuận. Cùng với đó, mức thù lao trả cho nhân lực trình độ cao đôi khi chưa tương xứng, dễ xảy ra hiện tượng “chày máu chất xám”. Do đó, cần tập trung liên kết đào tạo giữa các trường và các doanh nghiệp sử dụng nhân lực để đảm bảo đào tạo đúng nhu cầu thực tế. Đồng thời, tạo cơ chế đồng bộ trong việc sử dụng, động viên, thu hút nhân lực, đảm bảo mức thù lao tương xứng để nhân lực, đặc biệt là nhân lực trẻ, trình độ cao yên tâm cống hiến.
Chia sẻ tại Hội thảo, Ths. Ngô Tấn Hưng, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng cho rằng việc hoàn thiện môi trường, điều kiện làm việc tạo động lực là giải pháp cần đặc biệt quan tâm trong quá trình xây dựng chính sách phát triển nhân lực khoa học công nghệ trẻ.
Ths. Nguyễn Toàn, Học viện Chính trị khu vực III cho rằng, cần xác định được mục tiêu và đảm bảo dung hòa mối quan hệ của 04 yếu tố cùng tham gia vào hoạt động đào tạo nguồn nhân lực khoa học công nghệ trẻ: nhân lực – nhà trường (cơ sở đào tạo) – doanh nghiệp (người sử dụng lao động) – cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực khoa học.
Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, ông Dương Minh Hải, Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ Du lịch Dương Hoàng Gia, Đà Nẵng nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc tích lũy kiến thức, kỹ năng thực tiễn ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường của nhân lực trẻ. Theo đó, sinh viên cần chủ động học hỏi và tham gia các công việc thực tiễn trong các doanh nghiệp để củng cố kiến thức đã được học và tích lũy kỹ năng cần thiết cho công việc sau này.
Bà Trần Lan, đại điện doanh nghiệp tại Đà Nẵng cho rằng, tình yêu nghề là động lực để các bạn trẻ bứt phá một cách nhanh nhất và vượt qua những trở ngại trong công việc. Do đó, gia đình và các cơ sở đào tạo cần định hướng và nuôi dưỡng niềm đam mê nghề nghiệp cho các bạn trẻ từ sớm.
TS. Cảnh Linh phát biểu kết luận Hội thảo
Kết luận tại Hội thảo, TS. Đặng Vũ Cảnh Linh bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc trước sự nhiệt tình, tâm huyết, chia sẻ ý kiến của các nhà khoa học, nhà quản lý và đại diện các doanh nghiệp. Qua các bài tham luận phong phú và những chia sẻ, trao đổi sôi nổi, Hội thảo đã làm rõ vai trò quan trọng của nguồn nhân lực trẻ trong lĩnh vực khoa học công nghệ đối với sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời chỉ ra những khó khăn, thách thức hiện nay trong việc thu hút, đào tạo và phát triển đội ngũ nhân lực này. Những luận cứ và định hướng khoa học được đề xuất tại Hội thảo sẽ là nguồn tài liệu quý báu, tạo tiền đề vững chắc phục vụ cho công tác nghiên cứu, hoàn thiện các nội dung của đề tài cấp Nhà nước "Chính sách và giải pháp phát triển nhân lực khoa học công nghệ trẻ trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam giai đoạn 2021-2030".
Một số hình ảnh đại biểu chia sẻ ý kiến tại Hội thảo