Tác giả bài viết: Tin&ảnh: Hồng Hà
Chiều 2/8, tại Trụ sở Bộ VHTTDL, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Lai Châu về việc tổ chức Ngày hội Văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần thứ I tại Lai Châu, năm 2023.
Dự buổi làm việc có ông Tống Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu; đại diện các Cục, Vụ, đơn vị liên quan của Bộ VHTTDL và các đơn vị của UBND tỉnh Lai Châu.
Ngày hội văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người nhằm tôn vinh và phát huy giá trị bản sắc các dân tộc rất ít người, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc. Đồng thời lan tỏa, quảng bá bản sắc văn hóa, xây dựng môi trường gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các DTTS, nhất là các dân tộc có số dân dưới 10.000 người.
Ngoài ra, Ngày hội là dịp để giới thiệu, quảng bá tới bạn bè trong nước và quốc tế về tiềm năng, thế mạnh phát triển văn hóa, thể thao, du lịch và văn hóa truyền thống các dân tộc trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển; góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các Ban, Bộ ngành và mọi tầng lớp nhân dân trong công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam; bảo vệ và phát huy văn hóa truyền thống, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước theo Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 đã đề ra.
Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đánh giá cao sự chủ động, tích cực của tỉnh Lai Châu trong việc đăng cai tổ chức Ngày hội Văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần thứ I, năm 2023. Thứ trưởng cho rằng, tỉnh Lai Châu đã có kinh nghiệm khi đăng cai tổ chức nhiều Ngày hội Văn hóa các dân tộc cũng như các sự kiện lớn, tuy nhiên, đây là lần đầu tiên tổ chức Ngày hội Văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người, vì vậy, có rất nhiều nhiệm vụ đặt ra cần được Bộ VHTTDL và UBND tỉnh phối hợp thực hiện sao cho Ngày hội diễn ra đảm bảo yêu cầu đặt ra, góp phần bảo tồn, phát huy văn hóa các dân tộc, đặc biệt là các dân tộc có số dân dưới 10.000 người.
Báo cáo tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Hải Nhung, Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ VHTTDL) cho biết, có 13 tỉnh tham gia Ngày hội gồm Lai Châu, Cao Bằng, Thái Nguyên, Điện Biên, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Sơn La, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Kon Tum với đại diện các nghệ nhân, đồng bào 14 dân tộc có số dân dưới 10.000 người gồm: Pà Thẻn, Chứt, Lự, Lô Lô, Mảng, Cờ Lao, Bố Y, Cống, Ngái, Si La, Pu Péo, Rơ Măm, Brâu, Ơ Đu.
Ngày hội lấy chủ đề "Bảo tồn, phát huy và lan tỏa bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc rất ít người", dự kiến diễn ra trong 3 ngày tháng 10/2023 tại TP Lai Châu, tỉnh Lai Châu với nhiều hoạt động phong phú như: Lễ Khai mạc Ngày hội; Lễ Bế mạc; Trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống các dân tộc có số dân dưới 10.000 người; Liên hoan văn nghệ quần chúng, trình diễn trang phục truyền thống; Không gian trưng bày giới thiệu sản phẩm văn hóa đặc trưng và trình diễn nghề thủ công truyền thống các dân tộc; Triển lãm "Đặc trưng văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người trong cộng đồng văn hóa các dân tộc Việt Nam"; các hoạt động thể thao như kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ và các hoạt động quảng bá, giới thiệu, kết nối sản phẩm du lịch tỉnh Lai Châu với các địa phương.
Tại buổi làm việc, phía tỉnh Lai Châu đề xuất bổ sung một số hoạt động như: Không gian trưng bày, giới thiệu trang phục truyền thống của 14 dân tộc; Gặp mặt nghệ nhân tiêu biểu của 14 dân tộc. Ngoài ra, tỉnh Lai Châu sẽ tổ chức Tuần Du lịch- Văn hóa Lai Châu năm 2023 và Hội chợ Công Thương vùng Tây Bắc- Lai Châu 2023 vào thời điểm diễn ra Ngày hội.
Tỉnh cũng đề xuất Bộ VHTTDL hỗ trợ tỉnh trong việc quảng bá, thông tin về Ngày hội đến các cơ quan báo chí, đồng thời cho ý kiến về kịch bản Lễ khai mạc Ngày hội.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Tống Thanh Hải, hiện tại, tỉnh Lai Châu đang tập trung mọi nguồn lực để có sự chuẩn bị tốt nhất cho Ngày hội. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ có sự phối hợp với các địa phương tham gia để thống nhất phương án tổ chức Ngày hội sao cho phù hợp nhất. Công tác tuyên truyền sẽ được đẩy mạnh trước, trong và sau sự kiện.
Tại buổi làm việc, đại diện các Cục, Vụ, đơn vị của Bộ đã đóng góp ý kiến cho Kế hoạch tổ chức Ngày hội.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy yêu cầu các đơn vị tiếp tục thể hiện tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, tích cực, chủ động, tập trung cao độ cho việc tổ chức Ngày hội. “Các chương trình trong khuôn khổ Ngày hội phải được nghiên cứu, chuẩn bị chu đáo, luyện tập và dàn dựng công phu; đảm bảo tính nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ của nhân dân. Gắn hoạt động văn hóa, thể thao với quảng bá tiềm năng thu hút phát triển du lịch của các tỉnh. Các nội dung hoạt động của Ngày hội do các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng... là người dân tộc có số dân dưới 10.000 người thực hiện. Kịch bản chương trình khai mạc cần nhanh chóng được hoàn thiện để lấy ý kiến. Đêm khai mạc và các hoạt động xuyên suốt Ngày hội phải giới thiệu, quảng bá được những nét tiêu biểu, đặc sắc trong văn hóa của cộng đồng các dân tộc dưới 10.000 người; cũng như giới thiệu, quảng bá được bản sắc văn hóa của vùng đất, con người Lai Châu”, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy giao Vụ Văn hóa dân tộc phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Lai Châu cùng các đơn vị liên quan nghiên cứu, tổ chức các hoạt động theo hướng trọng thể, phấn khởi, đảm bảo an toàn, tiết kiệm, thiết thực và hiệu quả. Các sự kiện phải thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với công tác phát triển chính sách, văn hoá, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là các dân tộc có số dân dưới 10.000 người./.
Nguồn tin: Theo bvhttdl.gov.vn: