trongdong
text logo

Vài nét về mô hình hoạt động của Tạp chí khoa học thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam

Tác giả bài viết: H.V.L

Chủ nhật - 18/06/2023 03:34
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định cùng với sự nghiệp Đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là công cụ then chốt trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; đóng vai trò quan trọng trong tăng kinh tế, giải quyết các thách thức trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội. Ngày nay, cùng với cách mạng khoa học và công nghệ, cách mạng thông tin, truyền thông, cách mạng công nghiệp 4.0, tạp chí khoa học và tạp chí thuộc cơ quan khoa học là một loại hình truyền thông không thể thiếu trong hoạt động báo chí.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương thăm gian trưng bày của Khối Tạp chí Khoa học thuộc LHH Việt Nam tại Hội Báo toàn quốc 2023
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương thăm gian trưng bày của Khối Tạp chí Khoa học thuộc LHH Việt Nam tại Hội Báo toàn quốc 2023
Vài nét về tạp chí khoa học thế giới và Việt Nam

Tiền thân của các tạp chí khoa học trên thế giới xuất phát từ ý tưởng hình thành các xuất bản phẩm: tiểu luận, bài viết ngắn, thư từ trao đổi cá nhân giữa các nhà khoa học theo trào lưu xã hội hóa kiến thức khoa học thế kỷ XVI – XVII. Lấy cảm hứng từ Francis Bacon, năm 1665, với tư cách là thư ký của Hiệp hội Hoàng gia, Henry Oldenburg đã xuất bản một phiên bản in của các bài báo/ bức thư đọc tại các cuộc họp của Hiệp hội Hoàng gia với tên gọi Giao dịch triết học (Philosophical Transactions), định kỳ hàng tháng tập hợp các bài viết về quan niệm hiện tại, nghiên cứu, khoa học thực nghiệm ở nhiều nơi trên thế giới. Từ năm 1753, Tạp chí của hiệp hội đã có Hội đồng biên tập, đề  ra quy trình xuất bản, quy tắc lựa chọn bài viết. Đây là một trong những tạp chí khoa học đầu tiên trên thế giới.

Sự thành công của Philosophical Transactions đã truyền cảm hứng cho sự ra đời của nhiều tạp chí khoa học khác. Con đường từ tạp chí khoa học đầu tiên đến các tạp chí khoa học hiện đại ngày nay là một quá trình dài với nhiều sự đổi mới. Nếu như các tạp chí khoa học đầu tiên có phạm vi khá rộng vì hầu như tất cả các nhà khoa học chuyên sâu đều là những nhà khoa học tổng hợp, thì cùng sự phát triển của khoa học đã dẫn đến sự phân hóa đặc biệt và sự chuyên môn hóa, được phản ánh trong bản chất của tạp chí khoa học sau này. Cuối thế kỷ XVIII, ngày càng nhiều tạp chí khoa học dành sự quan tâm cho các chủ đề chuyên biệt hơn, xu hướng này tăng tốc cùng với sự phát triển của các trường đại học khoa học vào giữa thế kỷ XIX.

Cho đến nay, bên cạnh các tạp chí khoa học chuyên ngành mang tính truyền thống, cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại đã dẫn đến hình thành và phổ biến loại hình các tạp chí khoa học đa ngành và liên ngành vừa mang tính chuyên môn cao, đăng tải các bài báo liên quan đến các lĩnh vực khoa học cụ thể, vừa thông qua một quy trình bình duyệt nghiêm ngặt, tôn trọng bản quyền. Các loại bài báo khoa học trong tạp chí khoa học bao gồm bài báo chính (bài báo nghiên cứu ban đầu, báo cáo trường hợp/loạt trường hợp và ghi chú kỹ thuật), bài báo thứ cấp (bài báo tường thuật và đánh giá hệ thống), bài báo đặc biệt (thư gửi cho biên tập viên, thư từ, liên lạc ngắn, bài xã luận, bài bình luận và các bài tiểu luận bằng hình ảnh), các bài báo về tin tức, sự kiện, truyền thông khoa học... (JFF. Lapeña, WCG Peh; 2019).

Nhằm nâng cao chất lượng chuyên môn, từ nhiều năm nay trên thế giới đã hình thành các chỉ số phân loại, đánh giá các tạp chí  khoa học, điển hình và nổi tiếng nhất là chỉ số ISI (Institute for Scientific Information) và  Scopus.

Những năm 1960, ISI chỉ bao gồm tập hợp SCI (Science Citation Index) với khoảng khoảng 4.000 tạp chí chuyên ngành về khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ có chất lượng cao và truyền thống lâu đời sau đó, SCI mở rộng thành tập hợp SCIE (Science Citation Index Expanded) với khoảng 7.000 tạp chí khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ, xã hội, nhân văn và nghệ thuật được xuất bản từ năm 1900 đến nay. (http://science.thomsonreuters.com/cgi-bin/jrnlst/jlsubcatg.cgi?PC=D). Hiện nay, ISI được phân loại cụ thể hơn, bao gồm thêm tập hợp SSCI (Social Science Citation Index) với hơn 2.000 tạp chí xuất bản từ năm 1956 và A&HCI (Arts & Humanities Citation Index) với hơn 1.200 tap chí từ năm 1975 đến nay.

Bên cạnh phân loại ISI, nhiều tổ chức xếp hạng thế giới, ví dụ như Tổ chức xếp hạng các cơ sở nghiên cứu khoa học SCIMAGO (http://scimagojr.com) hoặc Tổ chức xếp hạng đại học (QS World University Rankings, http://www.topuniversities.com) còn sử dụng cơ sở dữ liệu từ nguồn Scopus. Scopus được xây dựng từ tháng 11 năm 2004 và thuộc sở hữu của Nhà xuất bản Elsevier (Hà Lan), dành cho thuê bao trực tuyến, có trả phí. Đó là một cơ sở dữ liệu thư mục chứa bản tóm tắt và trích dẫn các bài báo khoa học. Scopus có chứa hàng chục triệu bản tóm tắt, gần 22.000 danh mục từ hơn 5.000 nhà xuất bản, trong đó hơn 30.000 là tạp chí đánh giá chuyên ngành trong khoa học, kỹ thuật, y tế, xã hội, nghệ thuật và nhân văn. Cách đánh giá chất lượng các tạp chí của Scopus cũng dựa vào chỉ số ảnh hưởng IF (Impact Factor), nhưng nội dung trang web của Scopus (www.scopus.com) rất tiện ích khi sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, từ tra cứu tài liệu đến đánh giá tình hình nghiên cứu khoa học của các cá nhân và các cơ sở đào tạo, nghiên cứu...

Cùng với sự phát triển của khoa học và công nghệ, cách mạng công nghiệp 4.0 ngày nay trên thế giới các tạp chí khoa học trực tuyến có xu hướng tăng nhanh. Bắt đầu từ năm 2007 mức tăng trưởng của tạp chí khoa học điện tử có xu hướng tăng cao hơn so với tạp chí khoa học in và vượt qua số lượng tạp chí khoa học in vào năm 2012 (Xin Gu & Karen L.Blackmore, 2016). 

Tại Việt Nam nếu so với báo, tạp chí ra đời muộn hơn. Tờ báo ra đời sớm nhất trong làng báo là tờ Gia Định báo, phát hành số đầu 15/04/1865 được xuất bản hàng tuần tại Sài Gòn và tồn tại suốt 44 năm. Trong khi đó, tờ tạp chí ra đời đầu tiên ở Việt Nam là tờ Kỷ yếu của Ủy ban canh nông và kỹ nghệ Nam kỳ (Bulletin du Comite Agricole et Indutriel de la Cochinchine) chuyên đăng tải các bài khảo cứu, điều tra về tài nguyên rừng, khai thác gỗ, nghề trồng bông, trồng chè, nước mắm, cây ăn quả… (Đỗ Quang Hưng, 2001).

Tờ tạp chí đầu tiên xuất bản bằng chữ quốc ngữ ở Việt Nam là Đông Dương Tạp chí. phụ trương của tờ Lục tỉnh tân văn, xuất bản hàng tuần, số ra đầu tiên vào ngày 15/05/1913, chủ bút là Nguyễn Văn Vĩnh. Trong thời kỳ này, Đông Dương tạp chí được nhiều cây viết tham gia cộng tác là các nhà văn, nhà thơ, nghiên cứu khoa học, nghiên cứu chính trị, được đánh giá có công lớn trong việc phổ biến những tư tưởng tiến bộ chính trị, kinh tế, văn hóa, đạo đức của phương Đông và phương Tây.

Bên cạnh đó, Tạp chí Nam Phong, xuất bản từ ngày 01/07/1917 với ý tưởng ngọn gió nước Nam đã khẳng định tinh thần tự cường dân tộc, lấy tạp chí làm nền tảng phát triển khoa học và văn hóa Việt Nam. Trong những năm hoạt động xuất bản, tạp chí đã phát triển nhiều chuyên mục phong phú như: Lý thuyết, Văn hóa bình luận, Khoa học bình luận, Triết học bình luận, Văn uyển, Tạp văn, Thời đàm, Tiểu thuyết... Theo nhà nghiên cứu Dương Quảng Hàm đánh giá: “Về đường văn tự, Nam Phong đã sáp nhập vào tiếng Việt nhiều danh từ triết học, khoa học mới, và luyện cho chữ quốc ngữ có thể diễn dịch được các lý thuyết, các ý tưởng về triết học, khoa học mới. Về đường học vấn, Nam Phong đã cho phổ biến những điều yếu lược của học thuật Âu Tây, đồng thời diễn đạt những điều đại cương trong các học thuyết cổ của Á Đông như Nho học, Phật học… và bảo tồn những điều cốt yếu trong văn hóa Việt Nam xưa (văn chương, phong tục, lễ nghi)” .

Đồng hành với công cuộc nâng cao dân trí, giác ngộ cách mạng, cổ vũ cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và cách mạng Việt Nam, đã có rất nhiều tạp chí của những người cộng sản được hình thành trước năm 1945. Nhiều tạp chí hoạt động bí mật, vô cùng khó khăn trong công tác biên tập, xuất bản, song với sự quyết tâm của những nhà báo, trí thức cách mạng các số tạp chí vẫn được xuất bản, đóng góp vô cùng to lớn cho nền báo chí cách mạng Việt Nam thời kỳ đầu. Có thể kể đến Tạp chí Bôn sơ vic (1934),  Đông Thanh tạp chí (1936), Đông phương tạp chí (1939), Tạp chí Cộng sản (1941)…

Từ sau Cách mạng Tháng Tám (1945) thành công, với mục tiêu bước đầu xây dựng và phát triển các ngành khoa học cơ bản và ứng dụng, phục vụ mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, cùng với sự thành lập của Ủy ban Khoa học Nhà nước, nhiều tạp chí chuyên ngành khoa học non trẻ đã được thành lập và từng bước phát triển. Trong suốt giai đoạn 1945 -1975, rất nhiều tạp chí khoa học Việt Nam đã từng bước vượt qua khó khăn từ cơ sở vật chất, con người, hoàn cảnh chiến tranh để cải thiện số lượng, chất lượng, không ngừng công bố các công trình nghiên cứu quan trọng của các nhà khoa học Việt Nam là nền tảng và cơ sở cho quá trình ứng dụng khoa học, đưa khoa học vào thực tiễn xây dựng và phát triển đất nước.

Từ những năm Đổi mới đến nay, hầu như các Bộ, ngành, hội nghề nghiệp, các trường đại học, viện nghiên cứu đều quan tâm, nghiên cứu, xây dựng tạp chí khoa học riêng, vừa phục vụ công tác quản lý, vừa đóng góp xây dựng ngành khoa học và phổ biến kiến thức khoa học đến nhân dân. Hiện nay các cơ sở nghiên cứu, giáo dục đại học lớn ở Việt Nam có nhiều tạp chí khoa học như Đại học Quốc gia Hà Nội (3 tạp chí); Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (có hơn 10 tạp chí). Các cơ quan khó học, đơn vị trực thuộc các bộ ngành cũng đều thành lập các tạp chí khoa học để trao đổi chuyên môn, phát triển tri thức khoa học chuyên ngành và liên ngành. Có nhiều tạp chí khoa học ra đời từ rất sớm như: Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử (tháng 6/1954), Tạp chí Y học Việt Nam ( năm 1955), Tạp chí Nghiên cứu Văn học (tháng 1/1960), Tạp chí Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp (1962)…

Trong những năm gần đây, theo Quyết định số 26/QĐ-HĐGSNN ngày 08/11/2021 của Hội đồng Giáo sư Nhà nước, cả nước có 260 tạp chí khoa học trong danh mục được tính điểm các tạp chí khoa học ở Việt Nam. Bên cạnh đó nhận thức được chủ trương của Đảng, Nhà nước trong việc đẩy mạnh chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều tạp chí khoa học ở Việt Nam đã thực hiện thêm loại hình xuất bản tạp chí điện tử, khẳng định được uy tín, chất lượng, phục vụ phát triển khoa học và công nghệ Việt Nam.

Mô hình tạp chí thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật (Liên hiệp Hội Việt Nam)

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) thành lập năm 1983, là hệ thống tập hợp các cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí và ấn phẩm thông tin, lớn hiện nay, có chức năng và nhiệm vụ đoàn kết và tập hợp đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ, điều phối hoạt động của các hội thành viên, là đầu mối giữa các cơ quan, tổ chức, đại diện quyền lợi hợp pháp của các hội thành viên, giải quyết những vấn đề chung trong phát triển KHCN Việt Nam.
TCKH 9
Gian trưng bày của Khối Tạp chí Khoa học ứng dụng thuộc LHH VN tại Hội báo toàn quốc 2023 vừa qua 
Từ Nghị định 81/2002/NĐ-CP (Nay là Nghị định 08/2014/NĐ-CP) về việc Quy định chi tiết một số điều của Luật Khoa học và công nghệ, được Chính phủ ban hành ngày 17/10/2002, Liên hiệp Hội Việt Nam được phép thành lập các trung tâm, viện nghiên cứu, tổ chức khoa học và công nghệ ngoài công lập. Cho đến nay, Liên hiệp Hội Việt Nam đã thành lập và quản lý hàng trăm tổ chức KHCN ngoài công lập theo mô hình này. Điểm quan trọng nhất của các tổ chức KHCN thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam là phát triển hướng KHCN liên ngành, nghiên cứu, phát triển (RD), ứng dụng, chuyển giao công nghệ, tăng cường các hoạt động truyền thông, phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ góp phần phát triển kinh tế xã hội đất nước và cải thiện đời sống nhân dân các vùng miền, cả nước.

Tạp chí KHCN một trong những thế mạnh đặc biệt của Liên hiệp Hội Việt Nam. Nhiệm vụ của các tạp chí trong hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam đã được khẳng định từ các Đại Hội VI, Đại hội VII và Đại hội VIII Liên hiệp Hội Việt Nam, đó là: thực hiện truyền tải, phổ biến thông tin về khoa học và công nghệ, không ngừng thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, truyền thông phổ biến kiến thức KH&CN, các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội, các hoạt động tôn vinh trí thức  KH&CN Việt Nam, thông tin chính trị, thời sự, văn hóa, xã hội phục vụ nhu cầu của công chúng cả nước.

Nhiều Viện Nghiên cứu khoa học thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam được thành lập khá sớm và có định hướng xây dựng và phát triển các tạp chí khoa học liên ngành. Theo thống kê giấy phép và đăng ký, toàn hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam đến nay có 22 Viện nghiên cứu có tạp chí, trực tiếp Đoàn chủ tịch Hội đồng Trung ương thành lập và quản lý.

Sau 7 năm thực hiện Luật Báo chí 2016 và 3 năm thực hiện Quy hoạch báo chí, các tạp chí khoa học thuộc các Viện Nghiên cứu trong hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam về cơ bản tuân thủ việc thực hiện tôn chỉ, mục đích, hoạt động báo chí trong khuôn khổ pháp luật không có những vụ việc vi phạm nghiêm trọng dẫn đến đình bản.
Các Viện nghiên cứu, cơ quan chủ quản báo chí do các nhà khoa học đứng đầu luôn xác định trách nhiệm của chủ quản đối với báo chí đang quản lý trực tiếp như củng cố bộ phận tham mưu, quản lý báo chí, yêu các tạp chí báo cáo hoạt động thường xuyên, kịp thời chấn chỉnh các hoạt động chuyên môn, tác nghiệp, tăng cường tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ các “nhà khoa học làm báo” và “nhà báo làm khoa học”.

Thực hiện cơ chế tự chủ chuyên môn và tài chính, nhiều tạp chí khoa học bước đầu đã đảm bảo được việc xuất bản đúng kỳ hạn, từng bước nâng cao chất lượng chuyên môn, bài viết ,tập trung vào các hoạt động truyền thông, phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực, xã hội hóa thông tin, khoa học, chuyển tải tri thức khoa học từ hàn lâm, lý luận đến tri thức phổ thông dễ hiểu, dễ ứng dụng trong đời sống, được cộng đồng khoa học và công chúng ghi nhận, đánh giá cao. Bên cạnh đó nhiều tạp chí đã đảm bảo cân đối thu, chi tài chính, đảm bảo sự ổn định hoạt động chuyên môn và đời sống cho các phóng viên, biên tập viên.
TCKH 3
Lãnh đạo các Tạp chí khoa học tại lễ ra mắt CLB Lãnh đạo Tạp chí Khoa học trực thuộc LHH  góp phần kết nối, liên kết các tạp chí khoa học hỗ trợ cùng nhau phát triển
Trong sự phát triển và thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước giao, nhiều tạp chí đã trở thành cơ quan tuyên truyền, phổ biến các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật nhà nước, tuyên truyền tích cực cho hoạt động các ngành, lĩnh vực từ trung ương, đến địa phương. Nhiều tạp chí nhận được bằng khen, giấy khen, ghi nhận của các cơ quan Đảng và nhà nước. Trong thời gian phòng chống đại dịch Covid 19 (2020 -2022), nhiều cơ quan tạp chí đã huy động các nguồn lực tài chính từ doanh nghiệp, cộng đồng hỗ trợ công tác phòng chống dịch. Nhiều phóng viên đã đến các điểm nóng làm công tác thiện nguyện giúp đỡ đồng bào vượt qua những khó khăn của dịch bệnh.

Bên cạnh thành tựu đạt được trong những năm qua, các tạp chí của các Viện nghiên cứu còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế cần khắc phục. Hiện nay cùng với quá trình chuyển đổi số và cách mạng công nghiệp 4.0, việc chuyển đổi mô hình xuất bản điện tử là một trong những yêu cầu không thể thiếu của các tòa soạn. Cần có thêm các quy định quản lý nhà nước về tạp chí điện tử, phiên bản điện tử. Việc xuất bản Tạp chí điện tử (hay phiên bản điện tử) không thể áp dụng theo mô hình xuất bản định kỳ như Tạp chí in, do cần sự tương tác liên tục với độc giả. Cần cho phép Tạp chí điện tử, phiên bản điện tử xuất bản hàng ngày nhưng giám sát chặt chẽ nội dung theo tôn chỉ, mục đích tránh tình trạng mua mũ hay báo hóa tạp chí. Bên cạnh đó các tạp chí hiện nay hoạt động theo mô hình tự chủ, cần có thêm các chính sách hỗ trợ nâng cao năng lực cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên, nâng cao hoạt động chuyên môn các tạp chí gắn với quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách nhà nước, tạo nguồn thu hợp pháp về chuyên môn, xuất bản và các hoạt động sau mặt báo.

Nhằm tăng cường vai trò kết nối các các tạp chí, cơ quan khoa học thông qua tuyên truyền, phổ biến quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật nhà nước, kiến thức khoa học và công nghệ, các tạp chí khoa học trong hệ thống Liên hiệp hội Việt Nam đã ngày càng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tăng cường các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, tạo sức mạnh tổng thể, phát huy thế mạnh trong việc truyền bá kiến thức KHCN, tư vấn, phản biện xã hội của Liên hiệp Hội Việt Nam, góp phần nâng cao dân trí, cải thiện chất lượng cuộc sống và phát triển kinh tế - xã hội.
TCKH 5
Hệ thống các Tạp chí khoa học trực thuộc LHHVN hiện nay

Tài liệu tham khảo:
  1. Nguyễn Quang Hòa (2019), Những kiến thức cơ bản về Tạp chí, NXB Thông tấn, Hà Nội.
  2. https://vietnamnet.vn/bao-cao-cong-tac-bao-chi-nam-2021-va-phuong-huong-muc-tieu-nhiem-vu-giai-phap-nam-2022-803901.html
  3. https://vi.wikipedia.org/wiki/Nam_Phong_t%E1%BA%A1p_ch%C3%AD#cite_note-5
  4. Chris Mack (2015), 350 Years of Scientific Journals, Journal of Micro/Nanilithithography, MEMS, and MOEMS
  5. Xin Gu & Karen L.Blackmore (2016) Recent trends in academic journal growth, Scientometrics 108, 693 – 716.
  6. Martin, Shawn J (2019) History of Scientific Journals, Revista Luciemaga Communication. Vol. 11. N22. Pp. 18 – 44

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây