trongdong
text logo

Chuyện hy hữu còn đó, công ơn liệt sĩ còn đây

Tác giả bài viết: Minh Minh Đức

Thứ tư - 26/07/2023 22:55

Cuối năm 1946, báo Cứu quốc số 398 ra ngày 7/11/1946 đăng thông báo của Chủ tịch Chính phủ Việt Nam: “Vì muốn thay mặt Tổ quốc, toàn thể đồng bào và Chính phủ cảm ơn những liệt sĩ đã hy sinh tính mệnh cho nền Tự do, Độc lập, Thống nhất của nước nhà… tôi gửi lời chào thân ái đến các gia đình liệt sĩ và tôi nhận các con liệt sĩ làm con nuôi của tôi”.

Chuyện hy hữu còn đó, công ơn liệt sĩ còn đây - Ảnh 1.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và chúc Tết các đồng chí thương binh ở trường Thương binh hỏng mắt, ngày 11/2/1956 (30 Tết Nguyên đán Bính Thân) - Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh

Đó không phải là chuyện hy hữu - Vị Chủ tịch đầu tiên của nền dân chủ cộng hòa ở Việt Nam chỉ nêu cụ thể một việc làm của đạo lý dân tộc ghi nhớ công ơn các liệt sĩ.

Chuyện hy hữu cảm động là câu chuyện về hai bà mẹ liệt sĩ ở Ninh Bình có con cùng tên, cùng quê quán, nhập ngũ cùng năm, hi sinh cùng năm, chỉ khác nhau họ và tên đệm. Năm 2002, sau nhiều năm tìm kiếm, mẹ Lưu Thị Hinh ở Ninh Bình tìm được hài cốt của người con trai là liệt sĩ Đinh Duy Tuân tại An Giang. Vì nhiều lý do, gia đình để phần mộ anh lại đây và lập bàn thờ, thờ tự từ xa. Đến năm 2018, đến thắp hương tại mộ, gia đình nhà mẹ Hinh mới biết hài cốt đã không còn ở đó 8 năm nay mà được gia đình mẹ Hà Thị Xuân cùng quê Ninh Bình cất bốc chuyển về nghĩa trang dòng họ địa phương.

Hai bà mẹ tuổi ngoài 80 đành thực hiện xét nghiệm AND xem đây là xương cốt của ai: Liệt sĩ Đinh Duy Tuân, con trai mẹ Hinh, hay liệt sĩ Bùi Thanh Tuân, con trai mẹ Xuân. Câu chuyện của hai bà mẹ thật xúc động, bởi đạo lý ghi nhớ công ơn những người có công đã chuyển thành quan điểm chung của hai bà mẹ: "Không phải con nhà bà, thì là con nhà tôi, cũng đều vì nước vì dân mà các con hy sinh cả".

Hay chuyện hy hữu về "liệt sĩ" Trương Văn Chóng ở Cần Thơ đột ngột trở về ngày 19/2/2018. Sinh năm 1965, nhập ngũ năm 1983, quân nhân Trương Văn Chóng bị thương và thất lạc đơn vị tại chiến trường Campuchia. Gia đình ông nhận giấy báo tử do Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Cần Thơ cấp ngày 1/10/1991, nhận trợ cấp cho gia đình liệt sĩ từ ngày 18/11/1992; nhưng sau 30 năm, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Cần Thơ có báo cáo nhanh về Cục Người có công về trường hợp đặc biệt "liệt sĩ" đã trở về.

Một trường hợp hy hữu tương tự là sự trở về của "liệt sĩ" Trịnh Thanh Bình ở Hà Tĩnh. Nhập ngũ năm 1976, quân nhân Trịnh Thanh Bình có 4 lần về phép cưới vợ (1980), sinh con (1982, 1985, 1988), trước khi trở về đơn vị và bặt tin tức. Đơn vị thông báo về gia đình việc ông Bình bị mất tích năm 1988; năm 1992, gia đình nhận được giấy báo tử ghi ông hy sinh ngày 16/7/1988 tại chiến trường Campuchia trong trường hợp chiến đấu. Gia đình lập bàn thờ ông từ đó suốt 26 năm, cho đến ngày 11/9/2018 thì "liệt sĩ" trở về.

Đây là trường hợp hy hữu trong việc đi tìm mộ liệt sĩ, lại tìm được người còn sống. Khi nhận giấy báo tử, gia đình liệt sĩ đi tìm mộ, đến các nghĩa trang, nhờ nhà ngoại cảm, tìm các đồng đội nhờ họ liên lạc với nhau và liên lạc với đồng đội đang sinh sống ở Campuchia để tìm. Kết quả, phát hiện ông Bình vẫn còn sống nhưng mất trí nhớ (do bị thương khi trúng bom), được một gia đình Campuchia cưu mang, ông cùng gia đình họ sống trong rẫy tại một nơi heo hút ở tỉnh Battambang cho đến khi trở về Việt Nam.

Có cả chuyện hy hữu về đám cưới liệt sĩ được tổ chức tại nghĩa trang liệt sĩ phường Hải Thành (Đồng Hới, Quảng Bình) ngày 4/4/2022. Cô dâu là liệt sĩ Nguyễn Thị Diễn quê ở Nghệ An, chú rể là liệt sĩ Đặng Văn Cự quê ở Bắc Giang. Họ cùng gia nhập thanh niên xung phong năm 1968 và hoạt động ở trên tuyến đường sắt vận tải huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình, họ yêu nhau và cùng dự định ra mắt họ hàng hai bên dịp Tết Nguyên đán 1973. Nhưng ngày 29/12/1972, chị Diễn và anh Cự đã hy sinh trong một lần đi thuyền qua sông Đò Vàng ở Quảng Bình.

Sau chiến tranh, hai bên gia đình đi tìm mộ và tình cờ chắp nối được câu chuyện tình yêu dở dang của hai liệt sĩ. Tròn 50 năm sau (năm 2022) hai gia đình tổ chức đám cưới đầy đủ, trang trọng đúng như ước nguyện của họ lúc còn sống và cũng để phù hợp với đạo lý của những người còn sống nhớ công ơn của những người hy sinh.

Chuyện hy hữu còn đó, công ơn liệt sĩ còn đây - Ảnh 2.

Tháng 7/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi cụ Vũ Đình Tụng nhân dịp ngày Thương binh, cùng 1 tháng lương và 50 khăn tay do đồng bào phụ nữ Thái biếu Bác, nhờ Cụ chuyển cho anh em thương binh với lời chào thân ái và quyết thắng

Sau chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía bắc, có đám cưới 2 liệt sĩ Bùi Văn Lượng và Hoàng Thị Hồng Chiêm cùng hy sinh anh dũng trong cuộc chiến đấu Pò Hèn ngày 17/2/1979. Mãi 38 năm sau, hai bên gia đình và đồng đội cũ tổ chức đám cưới đặc biệt vào ngày 6/8/2017 cho linh hồn hai liệt sĩ về ở mãi bên nhau.

Câu chuyện có cả hy hữu và li kì nhất là về lá thư thiêng của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh viết ngày 11/9/1972, trước ngày diễn ra trận đánh cuối cùng của anh trong Mùa hè đỏ lửa năm ấy và anh hy sinh ngày 2/1/1973. Anh viết thư dự cảm về sự hy sinh của mình và chỉ dẫn chi tiết đến lạ kỳ về việc tìm mộ của mình, hình dung cả lễ truy điệu sau chiến tranh... Người lính trẻ ấy ngoài mặt trận viết thư trong lúc thanh thản đến mức đã sẵn sàng đem xương máu và cả con người mình đánh đổi lấy điều quý giá hơn cho quê hương dân tộc.

Lá thư của người lính trẻ không chỉ gây xúc động mạnh mẽ, mà còn có sức thôi thúc lớn lao đối với tuổi trẻ hôm nay sống trong hòa bình, tự do sáng tạo, phát triển và hội nhập. Người vợ liệt sĩ ấy 30 năm sau (năm 2002) theo lời chỉ dẫn đã tìm thấy mộ và nói điều tâm niệm: "Anh Huỳnh hy sinh, đó là nỗi đau lớn, nhưng tôi vẫn tự hào về một người chồng đã hy sinh góp phần cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Vì vậy tôi tâm niệm sẽ sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh của anh, để linh hồn anh được thanh thản!".

Thế đấy, trên đất nước vừa xong hai cuộc kháng chiến trường kỳ, đã kế tiếp luôn hai cuộc chiến tranh bảo vệ nền độc lập tự do của Tổ quốc, đã và sẽ còn có thêm nhiều câu chuyện hy hữu và li kì được kể cho thế hệ tiếp bước hiểu rằng: Trách nhiệm của người đang sống là chăm lo cho người đã khuất cùng thân nhân của họ, bởi người đã khuất từng sống chiến đấu, hy sinh cả tính mạng cho hòa bình của đất nước, cho cuộc sống bình yên của toàn dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhắc nhở "Máu đào của các liệt sĩ… đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do"; vậy nên "Trong cuộc tưng bừng vui vẻ hôm nay, chúng ta phải nhớ đến những anh hùng, liệt sĩ của Đảng ta, của dân ta...".

Nguồn tin: Theo www.chinhphu.vn:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây