trongdong
text logo

Làng - Bản, nét văn hoá độc đáo, chất liệu phát triển du lịch xanh cho Hà Giang

Tác giả bài viết: Thái Hà

Thứ ba - 22/08/2023 02:17
Điều kiện địa lý tự nhiên, lịch sử, văn hoá... đã cho Hà Giang có tài nguyên và tiềm năng du lịch phong phú, đa dạng,... một vùng thiên nhiên vừa hoang sơ vừa bí hiểm có sức hút đặc biệt với du khách.
suoi-thau-9-1392x927-1692663639.jpg
Cao nguyên Suối Thầu (Xín Mần, Hà Giang).

Trên đó văn hóa truyền thống đặc sắc, đa dạng trong cộng đồng các dân tộc thiểu số Mông, Dao, Tày, Nùng, Lô Lô, Pu Péo… tạo nên sức hấp dẫn lạ kỳ đối với những du khách trong và ngoài nước. Thiên nhiên đậm chất miền cao, bản sắc cư dân độc đáo. Làng, bản văn hóa du lịch (Homstay) gắn liền với thiên nhiên, với đời thường đã và đang trở thành một thế mạnh của du lịch Hà Giang.

Đến Bản Tha (xã Phương Độ TP Hà Giang) một bản đồng bào dân tộc Tày có 113 hộ với hơn 500 nhân khẩu đều làm kinh tế thuần nông nên vẫn giữ được những phong tục tập quán truyền thống như lễ hội Xuống đồng kéo dài 2 ngày, bắt đầu từ mùng 5-6 tháng Giêng với các hoạt động văn hoá: ném còn, chơi cù, hát then... Ngoài ra, nét đặc biệt nhất thu hút sự chú ý của các du khách là những ngôi nhà sàn kiểu cổ.

Hiện, thôn vẫn giữ được 100% kiến trúc nhà sàn, ao nuôi cá Bống một loại cá thịt ngon rất đặc trưng vùng nước ngọt. Nhà sàn vừa là nơi sinh hoạt và để tăng gia sản xuất, đồng thời cũng tạo được một không gian đồng bộ cho tổng thể ngôi làng. Du khách ngỡ ngàng trước những ngôi nhà sàn màu trắng xám thấp thoáng trong rừng cọ, hòa trong màu xanh bạt ngàn của rừng núi. Có thể nói việc gìn giữ được những ngôi nhà sàn đã tạo tiền đề cho sự phát triển du lịch sinh thái của bản.

Để trở thành làng, bản văn hoá du lịch sinh thái, thành phố Hà Giang đã đầu tư hàng trăm triệu đồng cho các hộ trong bản xây dựng nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn, bê tông hoá hệ thống đường làng. Ngoài ra, các hộ cũng phải thường xuyên quét dọn vệ sinh, trồng hoa ven đường khu vực nhà mình nhằm tạo ra cảnh quan môi trường sạch đẹp. Bên cạnh đó, bản cũng đầu tư mở rộng nhà văn hoá với hệ thống loa đài, bàn ghế... làm nơi tiếp khách và hội họp của nhân dân trong bản. Đến đây, du khách sẽ được hòa nhập vào cuộc sống thường nhật với dân bản địa, được thưởng thức những món ăn đặc sản như: Thịt treo gác bếp, lạp sường, gà nuôi trong vườn, đặc biệt được thưởng thức món cá bống nướng được bắt từ sông Lô hoặc ao nhà.

Ngoài thưởng thức văn hoá ẩm thực, khách tham quan còn cảm nhận được sự gần gũi, chất phác của người dân qua những hoạt động văn hóa dân gian như hát Then, hát Cọi, múa Bát, múa Chén... Ông Nguyễn Văn Quyển, người đi đầu trong việc quảng bá hình ảnh làng với khách và làm dịch vụ cho biết: “Trung bình mỗi tháng, gia đình tôi tiếp 6-7 đoàn khách trong nước, quốc tế như Mỹ, Anh, Canađa, Malaisia...”. ông Quyển còn vận động thành lập hợp tác xã thêu ren Lâm Phương đào tạo nghề cho lớp trẻ, giới thiệu hình ảnh và sản vật truyền thống của người Tày.

Là một tỉnh nghèo, địa hình đồi núi phức tạp, phần lớn dân cư là đồng bào các dân tộc thiểu số luôn giữ được những nét văn hoá đặc sắc và phong tục tập quán sinh sống riêng biệt của dân tộc mình. Chủ trương đúng đắn của tỉnh trong việc xây dựng các làng, bản văn hóa du lịch cộng đồng không chỉ góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá của đồng bào dân tộc thiểu số mà còn là một xuất phát điểm quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương có làng, bản văn hóa du lịch cộng đồng xây dựng thành công chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

314927589-159501273444417-3377724511840203144-n-1692663755.jpg
Mùa hoa Tam giác mạch.

Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có hơn 50 làng, bản văn hóa du lịch cộng đồng đã và đang được triển khai xây dựng và đi vào hoạt động. Trong đó có 30 làng đã được ra mắt chính thức, gần 20 làng đang được phê duyệt đầu tư xây dựng. Đa số các làng đã ra mắt và hoạt động có tính khả thi là các làng của đồng bào dân tộc Dao, Tày, Mông, và một số làng của các dân tộc ít người khác.

Các làng, bản văn hóa du lịch cộng đồng ngay từ khi ra đời đã thu hút ngày càng nhiều lượng khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, lưu trú, khám phá điển hình như làng văn hoá du lịch cộng đồng bản Tha, bản Tuỳ (TP Hà Giang), Lùng Tao, Khuổi Lác (huyện Vị Xuyên), Nậm An, Bản Khiềm (huyện Bắc Quang), My Bắc (huyện Quang Bình), Làng Giang (huyện Hoàng Su Phì), Nấm Dẩn (huyện Xín Mần), Bản Lạn (huyện Bắc Mê), Nặm Đăm (huyện Quản Bạ), Lũng Cẩm Trên (huyện Đồng Văn), Bản Tòng (huyện Mèo Vạc)... Các làng, bản văn hoá này đã trở thành một sản phẩm du lịch đặc sắc, góp phần làm phong phú thêm các sản phẩm du lịch của Hà Giang.

Chủ trương xây dựng làng văn hoá du lịch tiêu biểu gắn với xây dựng nông thôn mới được cấp ủy, chính quyền, nhân dân các dân tộc hưởng ứng tích cực. Cùng với sự đầu tư hỗ trợ của Nhà nước, người dân đã đóng góp tiền của, công sức của mình trực tiếp tham gia hiệu quả vào các hoạt động phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương, thông qua các hoạt động như cải tạo nhà ở, mua sắm thêm các trang thiết bị tối thiểu để phục vụ và đón khách du lịch tham quan, lưu trú, tự tìm hiểu nhu cầu, thị hiếu của các đối tượng khách.

Ý thức làm đẹp cảnh quan chung của bản làng được nâng lên, các công trình vệ sinh đạt chuẩn được xây dựng, phong trào tìm hiểu giữ gìn, khôi phục truyền thống văn hoá dân tộc đã lôi cuốn sự tham gia của các lứa tuổi, tầng lớp nhân dân trong cộng đồng, trở thành hoạt động thường xuyên, sổi nổi của người dân địa phương. Kết quả bước đầu Làng, bản văn hoá du lịch đã thu hút được lượng khách du lịch trong, ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng, qua đó cải thiện nguồn thu nhập cho người dân, góp phần cổ cũ, động viên người dân nơi đây tự tin tham gia hoạt động du lịch cộng đồng.

Ấn tượng đầu tiên đối với nhiều du khách khi đặt chân tới các làng, bản văn hóa du lịch cộng đồng ở Hà Giang không phải là những sắc màu sặc sỡ của trang phục, không phải là những món ẩm thực đặc thù mà còn là sự nguyên vẹn trong lối sống với không khí “đổi mới” của người dân giữa bạt ngàn rừng núi này, nơi mà bao đời nay, đói, khát vẫn thường trực trong đời sống của đồng bào, nơi mà cây ngô, cây lúa phải “nhờ trời” mới đâm chồi nảy hạt được. Nay đã có thêm các loại cây trồng khác để làm giàu thêm thực đơn dinh dưỡng như đậu tương, thảo quả, rau sạch, dong riềng, trồng cỏ để chăn nuôi gia súc, gia cầm... Những hồ treo trên núi đã làm dịu đi cơn khát... Cũng là làm giàu thêm đời sống vật chất và tinh thần. Và điều quan trọng hơn người dân giờ đây được làm du lịch, làm giàu trong chính những ngôi nhà và bằng nghề truyền thống của mình giúp họ mở mang tầm nhìn và cách làm knh tế trong thời đại hội nhập.

Tại huyện Hoàng Su Phì, một trong những địa phương trên địa bàn tỉnh đang được quan tâm, đầu tư phát triển đến nay toàn huyện đã có cả chục làng, bản văn hóa du lịch cộng đồng đã khánh thành, hoạt động hiệu quả. Tại các làng văn hoá du lịch, đường giao thông đã được mở rộng, nhà cửa của dân cư địa phương được tu sửa và xây dựng kiên cố theo kiến trúc truyền thống, các hộ gia đình được đầu tư công trình phụ, nơi sinh hoạt chung, một số bản được đầu tư làm nhà sàn công cộng để tổ chức các hoạt động văn hoá và đón tiếp khách...; cảnh quan môi trường luôn được bảo vệ, giữ gìn sạch sẽ; đời sống mọi mặt của người dân được nâng cao.

tim-hieu-van-hoa-le-hoi-cua-nguoi-giay-o-yen-minh-ha-giang-03-1644469176-1692664014.png
Lễ hội của người Dáy Hoàng Su Phì.

Để xây dựng thành các làng, bản văn hóa du lịch cộng đồng hoạt động hiệu quả, các làng nơi người dân đang sinh sống phải xây dựng được nhiều tiêu chí đạt chuẩn. Trước hết, đó phải là làng thuần dân tộc, có sự quần tụ về dân cư, là làng đạt chuẩn về các thiết chế văn hoá, có quy ước làng, bản văn hoá du lịch. Đặc biệt, phải có đường giao thông nông thôn được rải nhựa, bê tông hoá, trải cấp phối hoặc lát gạch đảm bảo các phương tiện giao thông đi lại thuận tiện.

Đây là một trong những tiêu chí được ưu tiên thực hiện. Bên cạnh đó, làng phải có đủ các điều kiện về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, hài hoà, có công trình phục vụ đạt chuẩn, di dời chuồng trại chăn nuôi ra xa nhà ở hoặc có tường bao cách biệt đảm bảo vệ sinh môi trường, có hệ thống thu gom và xử lý rác thải. Dân cư sống tập trung, mức sống đồng đều và không có hộ quá nghèo. Nhà cửa được xây dựng khang trang theo kiểu kiến trúc truyền thống. Làng có nghề thủ công truyền thống phải bảo tồn nét văn hoá đặc sắc dân tộc, vừa tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho nhiều lao động nhàn rỗi tại địa phương. Phát triển làng, bản văn hóa du lịch cộng đồng vừa để khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch, vừa đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân địa phương được nâng lên đáng kể và phát triển bền vững.

Từ nguồn tài nguyên du lịch thiên nhiên và nhân văn phong phú, cấp ủy, chính quyền có định hướng đúng, được nhân dân hưởng ứng, nhiều lao động đã có thêm việc làm, nhiều hộ dân đã năng động trong kinh doanh và vươn lên trở thành hộ khá về kinh tế... Có thể nói, làng bản văn hóa du lịch cộng đồng đang từng bước thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi Hà Giang.

 

Nguồn tin: doanhnghiepvakinhtexanh.vn:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây