Tác giả bài viết: Phạm Minh Thy
1. Những giao cắt xưa và nay
1.1. Nơi cư trú của sĩ tử tha phương
Nhà trọ của học trò thời xưa thường là những dãy nhà lá được dựng theo kiểu truyền thống, chia thành từng gian nhỏ, mỗi gian là một phòng nhỏ cho một hoặc nhiều học trò. Trong mỗi dãy nhà, có vại nước mưa được đặt để thu thập nước mưa, được sử dụng để uống và đun nước pha chè. Để tắm rửa, khách trọ phải ra ao làng, nơi mọi người trong làng sẽ sử dụng cùng nhau. Còn khi chăm lo ăn uống, thường thì các gia đình chủ nhà sẽ tạo ra một phòng bếp chung hoặc một khu vực nấu ăn chung, nơi học trò có thể sử dụng để chuẩn bị và nấu các bữa ăn của mình. Hay như trong cuốn "Chuyện cũ bên dòng sông Tô" của tác giả Viên Mai Nguyễn Công Chí (2010) đã viết: "Để bồi dưỡng trò học thi, một bà bán hàng ăn ở Hàng Buồm đã nghĩ ra và làm món cháo tim cật. Tối tối trò đến ăn lấy sức học đêm." (Nguyễn Công Chí, 2010). Điều kiện sống trong những nhà trọ này thường chật chội nhưng vẫn là nơi cung cấp mái ấm cho các học trò xa nhà.
Hình ảnh học trò đem lều chõng đi thi thời Pháp thuộc (1897)
1.2. Nhu cầu thuê trọ của sinh viên hiện đại
Trong quá khứ, căn phòng thuê thường là những căn nhà cũ, thiếu tiện nghi và không phù hợp với nhu cầu sống hiện đại của học trò. Tuy nhiên, ngày nay có nhiều chỗ trọ mới được xây dựng với các tiện nghi hiện đại và thiết kế phù hợp với nhu cầu cụ thể của học trò. Ở Thành phố Hồ Chí Minh, với hơn 130 trường đại học, cao đẳng và trung cấp, thu hút một lượng lớn sinh viên tham gia ở các ngành đào tạo đa dạng. Đặc biệt, khoảng 80% sinh viên đến từ các tỉnh lẻ, tạo nên áp lực lớn về chỗ ở và sinh hoạt. Số lượng sinh viên mới sẽ ngày càng tăng theo từng năm bởi các kế hoạch, đề án quy hoạch hệ thống mạng lưới trường đại học.
Trong một khảo sát 300 trường hợp sinh viên đang học tập tại Thành phố Hồ Chí Minh của Lê Sĩ Hải (2017) đã cho thấy có đến 77% ở trọ trong khi 23% có nhà riêng hoặc ở nhờ nhà người thân. Sự phổ biến của việc ở trọ tạo ra tình trạng phải chia sẻ không gian sinh sống với nhiều người khác do các ràng buộc về chi phí và sự khó khăn trong việc di chuyển khi mới đến thành phố.
2. Những đặc trưng phòng trọ
2.1. Các loại phòng trọ cho thuê
Trong quá trình tìm kiếm chỗ ở xa nhà, sinh viên thường phải đối mặt với sự lựa chọn giữa 2 loại hình thuê phổ biến nhất là phòng trọ và ký túc xá. Phòng trọ thường mang lại sự riêng tư và độ linh hoạt cao hơn, cho phép sinh viên tự quản lý cuộc sống của mình một cách độc lập. Tuy nhiên, ký túc xá cung cấp một môi trường sống cộng đồng sôi động, với các tiện ích chung và dịch vụ hỗ trợ, giúp sinh viên dễ dàng kết nối và tạo ra mối quan hệ xã hội. Mỗi loại hình chỗ ở đều có những ưu điểm riêng, phụ thuộc vào nhu cầu và sở thích của từng sinh viên.
Các phòng trọ thường thu hút sự quan tâm của sinh viên năm nhất và phụ huynh của họ khi tìm kiếm chỗ ở cho sinh viên. Điều này bởi vì các phòng trọ không chỉ cung cấp các tiện nghi tương tự như các ký túc xá của trường đại học mà còn mang lại không gian riêng tư cho sinh viên. Thêm vào đó, thiết kế của các phòng trọ được chú trọng đến thẩm mỹ, với màu sắc, đồ nội thất và vật liệu xây dựng được lựa chọn cẩn thận, tạo ra một môi trường sống đẹp mắt và thuận tiện cho sinh viên. Ngược lại, các ký túc xá thường không thu hút sinh viên, vì dù có đủ tiện nghi sinh hoạt, nhưng thiết kế của chúng thường lỗi thời và không phản ánh phong cách sống hiện đại của thế hệ gen Z.
2.2. Phong cách sống của người trẻ - Chủ nghĩa tối giản Minimalism
Phong cách sống đơn giản của người trẻ thời hiện đại đã từng bước trở thành một trào lưu phổ biến, với ảnh hưởng sâu rộng từ các phong trào nghệ thuật và thiết kế như "chủ nghĩa tối giản". Xuất phát từ những năm 1900, phong trào này đã lan rộng từ Mỹ đến Nhật Bản vào những năm 1960, khi New York khẳng định vị thế của mình trong nghệ thuật quốc tế (Tomii, 2009). Chủ nghĩa tối giản không chỉ thể hiện trong nghệ thuật mà còn ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực khác như thiết kế đồ họa, kiến trúc, nội thất, thời trang và các ngành mới hơn như thiết kế tương tác hoặc trải nghiệm. Tính đặc trưng của "thiết kế Nhật Bản" là sự tối giản và sự dễ thương đã gắn liền với chủ nghĩa tối giản (Adriasola và cộng sự, 2016).
Ở Việt Nam, do áp lực xã hội với cuộc sống bận rộn ngày, càng nhiều người trẻ chuyển hướng đến lối sống đơn giản để tìm thấy niềm vui từ trong tâm hồn và dành tâm trí cho những thứ bản thân thực sự yêu quý (Cindy, 2019). Phong cách tối giản đã trở thành một xu hướng phổ biến và được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, từ thiết kế áp phích, thiết kế nội thất đến không gian nội thất…
Lối sống tối giản không chỉ mang lại sự thoải mái mà còn kích thích sự sáng tạo và nâng cao hiệu suất làm việc. Môi trường làm việc tối giản giúp tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của sinh viên, với hy vọng rằng sẽ thúc đẩy sự sáng tạo và tăng cường hiệu suất học tập, từ đó đóng góp vào phát triển kinh tế và xã hội. Đối với sinh viên, việc thích nghi với lối sống tối giản không chỉ tạo ra một môi trường sống dễ chịu mà còn kích thích sự hứng khởi trong quá trình học tập tại phòng trọ.
Theo Đặng Xuân Giáp đã viết trong “Chất lượng dịch vụ ký túc xá của một số trường Đại học và bài học rút ra cho trường Đại học Công đoàn” vào tháng 5 năm 2022, đã nêu bật được quan điểm về sự cần thiết của không gian sinh hoạt của sinh viên ngày nay không chỉ là một nơi để lưu trú mà còn là nơi để trải nghiệm cuộc sống, rèn luyện và phát huy kỹ hăng xã hội, là địa điểm học tập, giao lưu văn hóa, trao đổi học thuật. Tác giả cũng rút ra được bài học với ba vấn đề chính cần thiết cho một nơi ở gồm nguồn nhân lực, cơ sở vật chất và dịch vụ.