Tác giả bài viết: H.Thanh
Trong chương trình “Tết Đoan Ngọ Thăng Long xưa” năm 2023, du khách sẽ có thêm những trải nghiệm qua các nghi lễ tiến phẩm, dâng hương lên các vị tiên đế.
Nhằm tôn vinh truyền thống văn hóa của dân tộc, phát huy giá trị văn hóa cung đình Thăng Long, ngày 21/6, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức Chương trình “Tết Đoan Ngọ Thăng Long xưa” với nhiều điểm mới, mang đậm dấu ấn tết Đoan Ngọ cung đình.
Theo PGS, TS. Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Tết Đoan Ngọ hay còn được gọi là tết Đoan Dương, thường được tổ chức vào giờ Ngọ, ngày mùng 5 tháng 5 Âm lịch hàng năm. Đây là một ngày tết truyền thống của một số quốc gia Đông Á. Trong văn hóa cổ truyền Việt Nam, Đoan Ngọ được xem là một trong những dịp lễ tết quan trọng bậc nhất.
“Đoan” có nghĩa là mở đầu, “Ngọ” là khoảng thời gian từ 11 giờ đến 13 giờ, ăn tết Đoan Ngọ là ăn vào buổi trưa. Đoan Ngọ là lúc mặt trời ở gần trái đất nhất. Ở Việt Nam, tết Đoan Ngọ còn được gọi là “tết giết sâu bọ”. Hiểu đơn giản, đây chính là ngày phát động bắt sâu bọ, tiêu diệt bớt các loài sâu bệnh gây hại cho cây trồng.
Tái hiện nghi thức cung đình trong chương trình “Tết Đoan Ngọ Thăng Long xưa”. (Ảnh: HT) |
“Chính vì vậy, ở Việt Nam cứ đến ngày mùng 5 tháng 5 hàng năm, từ chốn cung đình hoa lệ, tôn nghiêm cho đến những miền quê mộc mạc đều hân hoan đón tết. Tết trong cung đình, tết ngoài dân gian tuy có những lễ nghi, phong tục khác nhau nhưng đều là dịp con cháu tìm về cội nguồn, nhớ ơn công đức tổ tông và những người có công sinh, công dưỡng đối với mỗi người” - PGS TS Trần Đức Cường nhận định.
Trong cung đình, Tết Đoan Ngọ là lễ thường triều, nhà vua chịu mệnh trời thực hiện một số nghi lễ như cúng tế các tiên đế, báo hiếu bậc sinh thành, ban yến và ban quạt cho văn võ bá quan, với mong ước ban phúc lành, ban sức khỏe, bình an cho muôn nhà. Tết được các vương triều tổ chức trang trọng với những lễ nghi mang tính cung đình.
Các nguồn sử liệu cho biết, dưới thời Lê Trung Hưng, tết cũng là dịp để nhà vua, hoàng tộc sửa soạn lễ phẩm dâng tiến lên tổ tiên và các bậc sinh thành. Lễ tế tự ở nhà Thái miếu hoàn tất, thì cũng là lúc xa giá nhà vua chính thức lên điện thiết triều. Với nghi thức thường triều, tại điện Cần Chánh, hoàng thân cùng các quan văn võ từ bậc tam phẩm đều được tham dự. Nhà vua uy nghi ngự trên ngai rồng, bề tôi vui mừng chúc tụng.
Những món ăn và hoa quả thường có trong ngày Tết Đoan Ngọ. (Ảnh: HT) |
Nhằm nêu cao tinh thần trung nghĩa của các quần thần, nhà vua làm thơ đề trên quạt để ca ngợi cuộc sống thanh bình của muôn dân, đồng thời để khuyên răn triều thần làm những điều tốt đẹp cho xã hội, cho trăm họ. Theo thông lệ, tết cũng là dịp các bề tôi được ban thưởng. Tết Đoan Ngọ diễn ra đúng vào lúc thời tiết nóng nực, chiếc quạt là vật dụng làm mát vô cùng thiết yếu, nên ngoài ban yến, nhà vua còn tiến hành ban quạt. Quạt được ban cho các hoàng thân, văn võ bá quan, bính lính, nô tì, tiểu giám... và còn được cung tiến vào văn miếu, vũ miếu. Ân điển ban quạt thể hiện sự quan tâm, chăm lo đặc biệt đến thần dân với ý nghĩa nhân văn là ban “Phúc lành, Sức khỏe, Bình an”.
Ngoài dân gian, Tết Đoan Ngọ cũng có những phong tục hết sức độc đáo như dâng cúng sản vật của mùa hạ lên ông bà tổ tiên, dùng thức ăn để “diệt sâu bọ” trong người, hái lá làm thuốc nam vào giờ ngọ, đeo bùa và chỉ ngũ sắc, dùng lá nhuộm móng tay móng chân, mặc áo dấu, bôi rượu hùng hoàng cho trẻ con, treo con giáp tết từ ngải cứu, khảo cây... Những phong tục này chính là những kinh nghiệm dân gian có nguồn gốc liên quan trực tiếp đến nông nghiệp và thời tiết. Việt Nam là xứ nóng, tháng 5 lại là mùa nóng càng tạo điều kiện cho các loài sâu bọ, vi trùng phát triển làm hại mùa màng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Vì thế, con người phải tìm cách chống lại cái nóng và phòng dịch bệnh thông qua các món ăn, thức uống, đồ dùng. Phong tục tốt đẹp này đã đi vào kho tàng văn học Việt Nam.
Trải nghiệm làm quạt truyền thống. (Ảnh: HT) |
Trong chương trình “Tết Đoan Ngọ Thăng Long xưa” năm 2023, lần đầu tiên du khách có thêm những trải nghiệm qua các nghi lễ tiến phẩm, dâng hương lên các vị tiên đế. Các nghi lễ của hoàng cung trong ngày tết Đoan Ngọ thời Lê lần đầu tiên được Trung tâm trưng bày diễn giải một cách có hệ thống, sinh động và chân thực thông qua hệ thống pano, tranh vẽ, đặc biệt là phỏng dựng không gian cung đình trầm mặc cung kính, thiên tử uy nghi ngự trên ngai rồng thiết triều, đề thơ lên quạt và truyền ban thưởng quạt cho các quan.
Ngoài ra, khu trưng bày tết Đoan Ngọ truyền thống thường niên với những phong tục độc đáo của người dân kinh thành Thăng Long xưa như tục đeo túi thơm, buộc chỉ ngũ sắc, bôi hùng hoàng cho trẻ em, tục hái lá thuốc vào giờ ngọ, tục kết ngải hình con giáp... vẫn được duy trì thông qua việc tái hiện hình ảnh thu nhỏ của phố Hàng Quạt, Hàng Mụn, Hàng Thuốc.
Đến với chương trình, du khách còn được nghe những câu chuyện đầy màu sắc văn hóa về phong tục “diệt sâu bọ” của nghệ nhân ẩm thực Ánh Tuyết. Những bí quyết nghề làm quạt đầy tính hấp dẫn, khéo léo và tinh tế của nghệ nhân Lân Tuyết.
Chương trình “Tết Đoan Ngọ Thăng Long xưa” được tổ chức với các hoạt động trưng bày, trình diễn, tái hiện các nghi thức, phong tục dân gian và cung đình độc đáo. Đây là những hoạt động góp phần gìn giữ phong tục tập quán tốt đẹp của cha ông, khơi nguồn tinh hoa văn hóa dân tộc và giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ./.
Nguồn tin: dangcongsan.vn