Với nỗ lực vận động chính sách toàn cầu trong rất nhiều năm, ngày 25/9/2015, Hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc với sự tham dự của 193 nước thành viên đã thông qua Chương trình Nghị sự 2030 với 17 mục tiêu phát triển bền vững ( với 169 mục tiêu cụ thể và 232 chỉ tiêu cụ thể) làm cơ sở cho các quốc gia nghiên cứu, xây dựng chương trình, mục tiêu, chỉ tiêu, kế hoạch và lộ trình thực hiện phát triển bền vững dựa trên nguồn lực và điều kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và trình độ phát triển đặc thù. Là một trong những quốc gia sớm quan tâm đến thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, ngày 10/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, trong đó đề ra 17 mục tiêu phát triển bền vững với 115 chỉ tiêu cụ thể. Gần đây nhất, ngày 14/7/2023 phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định 841/QĐ-TTg ban hành Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030 (thay thế Quyết định số 681/QĐ-TTg) xác định thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030 với 117 chỉ tiêu. Thanh niên Việt Nam đã và đang khẳng định là nguồn lực con người có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Câu nói nổi tiếng của chủ tịch Hồ Chí Minh: “tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”, không chỉ dừng lại ở việc nhận thức tiềm năng, sức mạnh của thanh niên còn có ý nghĩa lý luận, phương pháp luận và thực tiễn quan trọng khi Bác xác định rõ vị thế, vai trò thanh niên, tầm quan trọng của việc đầu tư cho thanh nhiên (trồng người), đặt niềm tin, giao trách nhiệm cho thanh niên với tư cách chủ thể trong mọi lĩnh vực phát triển đất nước.
Quán triệt tư tưởng của chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước luôn coi sự nghiệp chăm lo, giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng và phát triển thanh niên được vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho sự phát triển bền vững của đất nước, là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị. Khoản 4, điều 5 Luật Thanh niên (2020) xác định “Chính sách của Nhà nước đối với thanh niên phải bảo đảm mục tiêu phát triển thanh niên; tạo điều kiện cho thanh niên thực hiện, quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm và phát huy năng lực; được xây dựng hoặc lồng ghép trong các chính sách của ngành, lĩnh vực, địa phương”. Bên cạnh việc Luật Thanh niên giao nhiệm vụ cho toàn hệ thống chính trị đảm bảo thực hiện Quyền thanh niên, tạo điều kiện và hỗ trợ sự phát triển toàn diện của thanh niên, thì Luật cũng xác định rõ ràng vị trí, vai trò, trách nhiệm thanh niên đối với tổ quốc (điều 12), đối với nhà nước và xã hội (điều 13), đối với gia đình (điều 14) và đối với bản thân (điều 15).
Bên cạnh việc Thanh niên luôn là trung tâm của chính sách, đối tượng thụ hưởng của Luật và các chính sách thanh niên, tuy nhiên, cụ thể hóa Luật Thanh niên, Chiến lược Phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021 -2030 cũng thể hiện quan điểm xác định trách nhiệm của thanh niên đối với xã hội: “Thanh niên phát huy vai trò là lực lượng xã hội to lớn, xung kích, sáng tạo, đi đầu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” và Mục tiêu 6 của Chiến lược là: “phát huy vai trò của thanh niên trong tham gia phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc”.
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lần thứ XII với khẩu hiệu hành động: “Khát vọng - Tiên phong - Đoàn kết - Bản lĩnh - Sáng tạo”, đã xác định một trong những mục tiêu tổng quát là: “Phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo, trách nhiệm của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là trong hội nhập quốc tế, chuyển đổi số quốc gia, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…”. Xây dựng Đoàn vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và hành động; nâng cao trách nhiệm phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh; làm tốt công tác chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng.
Trong những năm qua, công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi đã có những chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả quan trọng và toàn diện, đặc biệt trong việc phát huy vai trò, sức mạnh thanh niên trong các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội và phát triển bền vững. Các phong trào hành động cách mạng "Thanh niên tình nguyện", "Tuổi trẻ sáng tạo", "Tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc" và các chương trình đồng hành với thanh niên được triển khai đồng bộ, sâu rộng, hiệu quả, định hướng và tạo điều kiện cho thanh niên thực hiện trách nhiệm xung kích, tình nguyện, sáng tạo trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Các kết quả nghiên cứu, điều tra khảo sát của Viện Nghiên cứu Thanh niên những năm gần đây cho thấy ngày càng có nhiều thanh niên có nhu cầu, nguyện vọng, mong muốn tham gia các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Điển hình như thanh niên mong muốn được tạo cơ hội để thể hiện bản thân trong các hoạt động (82,7%) cũng như muốn trở thành nòng cốt trong mọi hoạt động (71,3%)[1]. Thanh niên đã thể hiện sự tích cực trong các hoạt động tại địa phương như: hoạt động bảo vệ môi trường; đền ơn đáp nghĩa; tình nguyện vì cộng đồng… Đa số thanh niên (tỉ lệ từ gần 60% đến hơn 80%) thể hiện sự tích cực khi có điều kiện là tham gia. Trong đó, hoạt động được thanh niên tham gia tích cực nhất là: các hoạt động tình nguyện tại chỗ (82,5%); Quyên góp, hỗ trợ người nghèo, người dân vùng thiên tai (80,9%); hoạt động bảo vệ chăm sóc trẻ em và giữ gìn trật tự an toàn giao thông (cùng có tỉ lệ 80,1%). Tỉ lệ thanh niên không muốn tham gia các hoạt động chỉ dao động trên dưới 10% [2]…
Hoạt động “tham gia” của thanh niên trong những năm qua, cùng với sự dẫn dắt của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, ít, nhiều, trực tiếp, gián tiếp đều có đóng góp chung trong việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển bền vững, là minh chứng thanh niên không chỉ là người thụ hưởng thanh quả mà với tinh thần xung kích, tình nguyện, năng động, sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ đã và đang tạo ra những thành tựu trong việc thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam. Nhiều mô hình hay, cách làm tốt, kinh nghiệm quý của thanh niên trong phát triển bền vững cuãng được các bộ, ngành, địa phương ghi nhận và tiếp tục nghiên cứu cơ chế nhân rộng các mô hình này.
Bên cạnh các thành tựu đạt được trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững cũng còn nhiều khó khăn, hạn chế sự tham gia của thanh niên trong việc thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu phát triển bền vững như về cơ chế, chính sách còn thiếu các chính sách quy định cụ thể vị trí, vai trò, trách nhiệm thanh niên, gắn kết Luật Thanh niên, Chiến lược Phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021 -2030, Nghị quyết Đại hội Đoàn XII với Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030. Trong thực tiễn thanh niên tham gia nhiều hoạt động phát triển bền vững nhưng chưa được ghi nhận, đánh giá đúng mức từ các cấp quản lý, có các nghiên cứu khoa học, số liệu thống kê về các hoạt động này. Cũng chưa có bất kỳ chính sách nào trực tiếp giao nhiệm vụ cho thanh niên và các tổ chức thanh niên trong việc thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu phát triển bền vững.

Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Từ những vấn đề đặt ra trong thực tiễn, đặc biệt về cơ chế, chính sách, để thực hiện tốt Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030 cần đặc biệt chú ý xác định những định hướng và giải pháp lớn sau:
1. Xác định lại vị trí vai trò thanh niên, giao trách nhiệm cho thanh niên và các tổ chức thanh niên trong lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030, đặc biệt vai trò đầu tầu trong xung kích, tình nguyện, sáng tạo gắn với từng mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể.
2. Phát huy vai trò thanh niên trong các hoạt động thế mạnh của thanh niên, gắn kết các mối quan tâm, hoạt động thực tiễn của thanh niên như lập nghiệp, khởi nghiệp, học tập nghiên cứu ứng dụng khoa học, kỹ thuật, chuyển đổi số… phát huy sáng kiến thanh niên trong việc thực hiện tất cả các mục tiêu. Có thể xác định các mục tiêu ưu tiên để huy động sự tham gia của thanh niên nhiều hơn như mục tiêu 1, mục tiêu 2, mục tiêu 4, mục tiêu 5, mục tiêu 8, mục tiêu 10, mục tiêu 11, mục tiêu 12, mục tiêu 13, mục tiêu 17…
3. Giao nhiệm vụ cho thanh niên, các tổ chức thanh niên trong lĩnh vực nghiên cứu xây dựng chương trình thông tin, truyền thông, tuyên truyền, vận động về phát triển bền vững, góp phần thay đổi nhận thức, ý thức và hành vi cộng đồng về phát triển bền vững, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển bền vững trong thực tiễn.
4. Giao nhiệm vụ Đoàn thanh niên tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị Quyết Đại hội Đoàn XII trong đó tiếp tục nghiên cứu, gắn các phòng trào, cuộc vận động, chương trình hoạt động của Đoàn với các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể về phát triển bền vững. Giao nhiệm vụ các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan quản lý, chủ trì thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển bền vững cần phối hợp chặt chẽ với Đoàn Thanh niên trong việc xây dựng, tổ chức, triển khai các chương trình cụ thể gắn với mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể để không chỉ huy động tốt nguồn lực thanh niên mà còn phát huy sự tham gia, sức mạnh tổng hợp của thanh niên trong thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu.
5. Tăng cường nghiên cứu khoa học, đánh giá về hiệu quả tham gia của thanh niên trong thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu phát triển bền vững theo định kỳ. Tổng kết, nhân rông mô hình hay, kinh nghiệm phát triển bền vững tốt do thanh niên thực hiện, tập hợp các sáng kiến hiệu quả của thanh niên để nhân rộng trong cộng đồng.
[1] Viện Nghiên cứu Thanh niên (2020), Báo cáo Đánh giá tình hình thanh niên năm 2020
[2] Viện Nghiên cứu Thanh niên (2022), Báo cáo Điều tra đánh giá tình hình thanh niên và việc thực hiện chính sách pháp luật đối với thanh niên năm 2022